Đức thông qua gói cứu trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ
Chính phủ Đức đã quyết định chi khoảng 400 triệu euro để cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.
Nội các Đức đã thông qua một gói cứu trợ khẩn cấp lớn cho những khu vực chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ nghiêm trọng vừa qua ở nước này, đồng thời cho biết sẽ cần hàng tỷ euro để tái thiết nhà cửa, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Một tuần sau thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất khiến ít nhất 170 người tại Đức và 31 người ở Bỉ thiệt mạng, Chính phủ Đức đã quyết định chi khoảng 400 triệu euro để cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu thiệt hại nặng nề.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, một nửa số tiền này do chính phủ liên bang cung cấp và phần còn lại là do 16 bang nước này đóng góp.
Bộ trưởng Scholz cũng cho biết trong những tháng tới, chính phủ sẽ đưa ra một chương trình tái thiết trị giá hàng tỷ euro để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra và khôi phục cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống và đường sắt.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ xây dựng lại các doanh nghiệp, các nhà máy và các tòa nhà".
Trong khi đó, hiệp hội bảo hiểm GDV cho biết những tổn thất do mưa lũ gây ra tại Đức cũng khiến ngành này chịu thiệt hại lên đến 5 tỷ euro, đồng thời cho rằng đây là một trong những cơn bão tàn khốc nhất từ trước đến nay.
Theo GDV, chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều vì gần một nửa số người dân Đức ở những bang bị ảnh hưởng được hưởng bảo hiểm rủi ro do mưa to và lũ lụt.
Ngày 20/7, trong chuyến thị sát thị trấn Bad Muenstereifel chịu tác động nặng nề do mưa lũ gây ra, Thủ tướng Angela Merkel cũng cam kết chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để tiền hỗ trợ có thể nhanh chóng đến tay người dân.
Trận lũ lụt tại Đức được đánh giá là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất tại nước này trong 6 thập kỷ qua. Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, mưa lũ còn phá hủy nhiều công trình cầu đường, nhà cửa và hệ thống công cộng.
Nhiều tập đoàn và công ty, như nhà cung cấp phụ tùng xe hơi ZF, tập đoàn năng lượng RWE và công ty tái chế đồng Aurubis phải ngừng hoặc giảm sản xuất do lũ lụt./.