Đức tiếp nhận một nhóm người di cư đang tị nạn tại Malta
Trước đây, Malta và Italy thường xuyên lên tiếng về tình trạng chia sẻ trách nhiệm không công bằng trong việc tiếp nhận người di cư, do đây là hai quốc gia đầu tiên người di cư tiếp cận khi đến EU.
Chính phủ Malta ngày 25/11 cho biết Đức sẽ tiếp nhận một nhóm những người di cư đang tị nạn tại Malta tới cư trú tại nước này theo Hiệp ước di cư và cư trú mới của Liên minh châu Âu (EU).
Theo Chính phủ Malta, đây là đợt phân bổ người di cư lần thứ 5 kể từ tháng 9 vừa qua theo Hiệp ước di cư và di trú mới của EU. Tuy nhiên, Chính phủ Malta không nêu chính xác số người di cư rời Malta tới Đức cư trú.
Trong thông cáo, Chính phủ Malta nêu rõ việc bố trí điểm đến cho những người di cư bất hợp pháp đang tị nạn ở Malta sẽ được phối hợp với Ủy ban châu Âu, phù hợp với việc chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng đối với những người di cư bất hợp pháp.
Tổ chức Di cư Quốc tế cũng như Quỹ Tị nạn, Di cư và Hội nhập của EU sẽ hỗ trợ và tài trợ việc phân bổ người di cư tới các nước.
Tháng 9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Hiệp ước di cư và di trú mới nhằm cải cách chính sách của EU về vấn đề người tị nạn, qua đó giải quyết những chia rẽ nội bộ khối liên quan đến vấn đề này.
Malta và Italy thường xuyên lên tiếng về tình trạng chia sẻ trách nhiệm không công bằng trong việc tiếp nhận người di cư, do đây là hai quốc gia đầu tiên người di cư tiếp cận khi đến EU.
Liên quan vấn đề người di cư, cùng ngày 25/11, Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Tây Ban Nha cho biết trong vòng 24 giờ qua, lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể người di cư tại khu vực quần đảo Canary của nước này.
Hầu hết số này là nạn nhân trong vụ lật thuyền chở hơn 30 di cư ở vùng biển phía Bắc đảo Lazarote - một trong 7 đảo chính thuộc quần đảo Canary - đêm 24/11.
Theo các nhà chức trách, thuyền trên khởi hành từ cảng Agadir của Maroc ngày 21/11 và chở hơn 30 người di cư tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Trong những năm gần đây, nhiều người di cư từ Maroc và những nước nghèo tại khu vực Nam Sahara thường lựa chọn quần đảo Canary là cánh cửa để nhập cư trái phép vào Tây Ban Nha cũng như các quốc gia khác thuộc EU.
Theo Chính phủ Tây Ban Nha, trong năm 2020, hơn 18.000 người di cư đã đến các quần đảo thuộc Tây Ban Nha. Các tàu chở người di cư bất hợp pháp thường cũ nát và đây cũng là nguyên nhân của các vụ lật thuyền trên biển khiến nhiều người thiệt mạng./.