Đức tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế khí đốt của Nga

Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

* Pháp đề xuất thiết lập trần giá khí đốt để nâng vị thế đàm phán của EU

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đang lên kế hoạch tới Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vào cuối tuần này nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga.

Trong tuyên bố trước chuyến thăm, ông Habeck nhấn mạnh Qatar và UAE có vai trò quan trọng trong việc giúp Đức đảm bảo nguồn cung khí đốt trong thời gian tới.

Cũng theo ông Habeck, Đức vẫn phải cần tới các nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dù đã xác định sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hydro xanh.

Trước đó hồi đầu tháng này, ông Habeck cũng đã tới thăm Na Uy (quốc gia xuất khẩu khí đốt quan trọng) và Mỹ (nhà cung cấp LNG).

Người đứng đầu ngành kinh tế Đức bày tỏ tin tưởng các cuộc thảo luận đang tiến hành với Na Uy, Mỹ, Canada và Qatar (một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới) sẽ giúp đưa nhiều khí đốt hóa lỏng hơn đến châu Âu và Đức. Hiện Đức và Na Uy đã nhất trí nghiên cứu khả năng xây dựng đường ống dẫn hydro giữa hai nước.

Sau khi bùng nổ chiến sự tại Ukraine ngày 24/2, Đức tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay nhưng vẫn phải tiếp tục nhập khẩu khí đốt. Đức hiện nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên của Nga.

* Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 18/3 cho biết nước này đang thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) cùng xác định giới hạn giá khí đốt trên toàn khối để củng cố vị thế đàm phán với các nhà sản xuất lớn, song một số quốc gia thành viên đã không tham gia.

Phát biểu trước các nhà lập pháp, Bộ trưởng Le Maire nói rằng ông đã đưa ra đề xuất với các đối tác EU về trần giá. Lập luận của ông là một chính sách như vậy sẽ giúp 27 quốc gia thành viên EU có vị thế tốt hơn để đàm phán với các nhà sản xuất như Gazprom của Nga hay Sonatrach của Algeria.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Le Maire cũng thừa nhận rằng đó là một động thái can thiệp vào thị trường khiến một số đối tác châu Âu của pháp lo lắng.

Ông Le Maire không nêu ra quốc gia nào không ủng hộ đề xuất của Pháp, nhưng Hy Lạp cũng đã đưa ra một đề xuất tương tự về thiết lập mức trần giá khí đốt cho EU.

Chi phí năng lượng đã tăng vọt trên khắp châu Âu kể từ năm ngoái và tăng cao hơn nữa kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Những diễn biến này khiến các chính phủ gặp nhiều khó khăn tìm kiếm các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động từ giá năng lượng cao đối với các hộ gia đình và công ty.

Pháp, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đã “đóng băng” giá khí đốt trong nước vào năm ngoái bằng cách bồi thường cho các công ty khí đốt của Pháp vì đã bán ra thấp hơn giá giao ngay.

Bộ trưởng Le Maire cho biết dựa trên giá khí đốt trong tuần này, biện pháp hỗ trợ đó hiện dự kiến sẽ tiêu tốn của chính phủ Pháp khoảng 6,4 tỉ euro (7,06 tỉ USD) trong năm nay.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272182/duc-tim-kiem-nguon-nang-luong-thay-the-khi-dot-cua-nga.html