Đức: Trên 73% số ca mắc mới COVID-19 nhiễm biến thể Omicron
Trong báo cáo tuần công bố ngày 14/1, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã trở thành biến thể chủ đạo ở nước này khi gây ra 73,3% số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, so với 44,3% ghi nhận 7 ngày trước đây.
Theo RKI, biến thể Delta hiện chỉ gây ra 25,9% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này.
RKI nêu rõ: "Trong những tuần tới, chúng tôi dự báo số ca nhiễm mới biến thể Omicron sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các nghiên cứu đầu tiên cho thấy tỉ lệ nhập viện ở những người nhiễm Omicron đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản thấp hơn so với người nhiễm biến thể Delta".
Hiện, khoảng 72% dân số ở Đức đã tiêm đủ các mũi cơ bản và 44% đã tiêm mũi vaccine tăng cường.
Sáng 13/1, Đức ghi nhận hơn 81.000 ca mắc mới - con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát - trong bối cảnh cơ quan quản lý khủng hoảng dịch COVID-19 của chính phủ nước này cảnh báo nguy cơ thiếu các bộ xét nghiệm.
Trong khi đó tại CH Séc, nhà virus học Evžen Bouřa của Viện Hóa sinh và Hóa hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CH Séc, cho rằng người dân nước này khó tránh lây nhiễm biến thể Omicron vì biến thể này có thể sẽ xuất hiện trở lại vào mùa Thu tới do miễn dịch mà mọi người đạt được sẽ kéo dài chưa đầy một năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ông Bouřa đưa ra nhận định trên ngày 13/1, với giả định làn sóng dịch COVID-19 hiện tại do biến thể Omicron gây ra ở CH Séc sẽ kết thúc vào cuối tháng 2 tới hoặc sớm hơn.
Theo ông Bouřa, giống như năm 2021, đại dịch COVID-19 trong năm nay sẽ giảm dần vào mùa Hè và tăng trở lại vào mùa Thu. Ông cũng không loại trừ khả năng xuất hiện một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 vào mùa Thu. Tuy nhiên, biến thể Omicron sẽ quay trở lại, và người dân vẫn có thể bị lây nhiễm vào mùa Đông do khả năng miễn dịch đạt được chỉ kéo dài dưới một năm.
Ông Bouřa nhấn mạnh tiêm phòng sẽ vẫn là vũ khí chính chống lại dịch bệnh COVID-19 và sẽ cần tiêm nhắc lại trước mỗi mùa Đông, giống như tiêm phòng cúm mùa. Ngoài ra, vaccine ngừa cúm thay đổi hằng năm vì bản thân virus cúm không ngừng phát triển.