Đức trở lại vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu

Số liệu trao đổi thương mại 4 tháng đầu năm nay cho thấy, Đức đã trở lại vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu sau khi bị tụt xuống vị trí thứ 2 trong năm 2024. Trong đó, đáng chú ý, tất cả các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đều ghi nhận tăng trưởng.

Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Đức tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm 2025.

Đức trở lại vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu sau năm 2024 ở vị trí thứ 2.

Đức trở lại vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu sau năm 2024 ở vị trí thứ 2.

Tất cả các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đều tăng

Theo số liệu của Cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 4 năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đức đạt 4,495 tỷ USD, tăng 23,3% so với 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt trên 3,289 tỷ USD và nhập khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD, lần lượt tăng 27,84% và 12,41% so với cùng kỳ năm 2024.

Về xuất khẩu, tất cả các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức 4 tháng đều ghi nhận tăng trưởng dương. Trong đó, nhóm hàng vật liệu xây dựng tăng 86,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với nhóm nông thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 823,73 triệu USD, tăng 74,03% trong đó hầu hết tất cả các mặt hàng có ghi nhận xuất khẩu trong nhóm này đều đạt tăng trưởng dương, cụ thể cà phê đạt trên 628,12 triệu USD tăng 97,62%; thủy sản trên 64,45 triệu USD, tăng 11%; hạt điều đạt trên 47 triệu USD, tăng 22,68%; hạt tiêu đạt trên 49,33 triệu USD tăng 88,05%; rau quả đạt 25,43 triệu USD tăng 28,11%.

Với nhóm hàng chế biến chế tạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,17 tỷ USD, tăng 16,23%, trong đó tăng mạnh ở mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 403,28 triệu USD, tăng 56,45%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt trên 470,67 triệu USD, tăng 17,37%; đặc biệt ghi nhận sự tăng trưởng trở lại của các mặt hàng xuất khẩu truyền thống là dệt may (trên 263,27 triệu USD, tăng 30,76%), giày dép (259,13 triệu USD, tăng 7,37%).

(Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Đức)

(Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Đức)

Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu chính từ Đức vào Việt Nam trong 4 tháng qua đều tăng trưởng tốt, nhất là nhóm mặt hàng chế biến, chế tạo (trừ hóa chất).

Cụ thể: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 436,4 triệu USD, tăng 14%); Dược phẩm (đạt 145,5 triệu USD, tăng 39,8%); Hóa chất (đạt 110,6 triệu USD, giảm 6,9%); Sản phẩm hóa chất (đạt 82,6 triệu USD, tăng 9,4%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 56,3 triệu USD, tăng 16,9%); Sản phẩm từ chất dẻo (đạt 30,8 triệu USD, tăng 18,7%); Linh kiện, phụ tùng ô tô (đạt 24,2 triệu USD, tăng 59,3%).

Với các thống kê trong 4 tháng đầu năm nay, Đức đã trở lại vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu sau khi bị tụt xuống vị trí thứ 2 vào năm 2024.

Tăng trưởng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Đức diễn ra trong bối cảnh kinh tế Đức đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê liên bang Đức, GDP nước này tăng trưởng dương trong quý I năm 2025 (tăng 0,5% so với cùng kỳ 03 tháng trước) sau 2 năm liên tiếp suy thoái. Cùng với đó, kim ngạch thương mại của Đức cũng tăng trưởng gần 3% khi xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2025 đạt 394,3 tỷ euro, tăng 0,9% và nhập khẩu đạt 339,7 tỷ euro, tăng 5,1%.

Nhóm hàng thủy sản của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường Đức. (Ảnh minh họa)

Nhóm hàng thủy sản của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường Đức. (Ảnh minh họa)

Việt Nam và Đức tăng cường hợp tác về thương mại nông thủy sản

CHLB Đức là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nông lâm thủy sản.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang Đức đạt 1,3 tỷ USD (tăng 32% so với 2023); nhập khẩu từ Đức đạt gần 200 triệu USD (tăng 23,9%).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm cà phê, thủy sản, hạt điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, chè và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre cói, thảm..., được người tiêu dùng Đức và châu Âu ưa chuộng. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là sữa và sản phẩm sữa, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu phân bón, cao su,..

Theo đánh giá, các sản phẩm này mang tính bổ sung cho nhau và không có sự cạnh tranh trực tiếp. Đức hiện là thị trường nông sản lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 2,1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nước này cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU với hơn 500 triệu dân và tổng nhu cầu nhập khẩu thực phẩm lên tới khoảng 160 tỷ Euro/năm.

Tọa đàm "Kết nối thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam - CHLB Đức" do Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, Liên hiệp Kinh doanh Nông sản Đức (GAA) tổ chức mới đây tại Thành phố Berlin, CHLB Đức thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Đức, trong đó có các hiệp hội, kênh phân phối, chuỗi siêu thị của Đức và khoảng gần 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản, lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp.

Tại Tọa đàm, các hiệp hội, doanh nghiệp hai nước đã chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như các quy định trong xuất nhập khẩu và kinh nghiệm xuất khẩu hàng rau quả, nông sản, thủy sản, sản phẩm thịt vào chuỗi siêu thị của Đức.

Các đại biểu đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mà hai bên ưu tiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường...

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/duc-tro-lai-vi-tri-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-viet-nam-tai-chau-au-140734.htm