Đức Trọng: Sản xuất nông nghiệp phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19
Những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, một số loại nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhưng huyện Đức Trọng đã triển khai nhiều giải pháp cùng với nông dân tích cực tìm hướng đi mới trong sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
Năm 2021, sản xuất nông nghiệp huyện Đức Trọng cơ bản đi theo định hướng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các sản phẩm chủ lực được xem là thế mạnh của huyện như rau, hoa, cà phê, dâu tằm được tập trung phát triển, hình thành vùng sản xuất hàng hóa với quy mô tương đối lớn, đặc biệt là diện tích trồng rau. Tổng diện tích bố trí sản xuất, tổng diện tích gieo trồng và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng qua các năm. Diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao có bước phát triển đáng kể, đang chuyển dần phát triển theo hướng sử dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra, tổng diện tích gieo trồng 6 tháng đầu năm là 35.277 ha, đạt 66,4% kế hoạch cả năm và đạt 114,9% cùng kỳ, trong đó các loại cây hàng năm là 14.985 ha và các loại cây lâu năm là 20.292 ha. Bước sang vụ Hè thu, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất, tuy nhiên tiến độ chậm hơn so với thường niên do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (chậm hơn khoảng từ 20 - 25% so với bình thường nếu không xảy ra dịch bệnh). Từ đợt dịch bùng phát mạnh vào tháng 4 đến nay, giá cả nông sản một số hàng rau tươi xuống mức rất thấp, gây ảnh hưởng nặng nề, nhất là các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ theo hướng truyền thống.
Theo đó, ngoài công tác phòng, chống dịch COVID-19, huyện Đức Trọng cũng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất xuống giống vụ Hè thu đạt theo kế hoạch đề ra, ước trồng các loại cây ngắn ngày: lúa, rau, củ, quả... là 14.309,5 ha. Ông Nguyễn Công Hinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Trọng cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp và có thể còn kéo dài, Đức Trọng đã có phương án sản xuất chủ động thích ứng với tình hình mới, đặc biệt trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2021. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất với cơ cấu hợp lý về chủng loại, diện tích phù hợp, tránh rủi ro khi tiêu thụ; trong đó, cần chú ý chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác đang gặp khó khăn như cây hoa ngắn ngày chuyển sang trồng rau, củ, quả có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc, bảo quản được lâu và dễ vận chuyển.
Ông Lê Văn Hùng (xã Hiệp Thạnh) hiện đang trồng 5 sào cà chua, su hào, cà rốt cho biết, trước đây diện tích này trồng xà lách, cô rôn, thời điểm dịch bệnh vận chuyển khó nên ông đã cho các bạn tình nguyện thu hoạch ủng hộ vùng dịch, sau khi cày xới đất, ông tiến hành xuống giống các loại rau ăn củ là chính. Hiện tại ông cùng 6 nông dân khác của xã liên kết với Công ty MM Mequa Market để tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoài (xã Phú Hội) cho biết, trong quá trình sản xuất ở thời điểm dịch bệnh phức tạp, nông dân ngày càng chú trọng hơn giá cả thị trường tiêu thụ, cũng như khâu chất lượng và tính an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Thay vì chạy theo số lượng, năng suất như trước đây, hiện nay người sản xuất tập trung vào hiệu quả, biết nắm bắt thị trường, để chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, mang lại lợi nhuận trên mỗi vụ trồng. Với diện tích 7 sào, từ rau ăn lá, ông chuyển sang trồng các loại củ, rau như cà rốt, củ dền, bắp cải, su hào... thời gian bảo quản lâu, nhu cầu thị trường lại có. Hiện nay, huyện thu mua với giá phù hợp để cung ứng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nông dân thu hồi được vốn và có lãi một ít để tái đầu tư sản xuất, tránh để đất trống.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, nhiều đơn vị ở Đức Trọng đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo định hướng lâu dài, phù hợp với thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm 2021. Ông Nguyễn Văn Hinh thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, vận động hộ nông dân đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng một số loại hoa ngắn ngày sang sản xuất gieo trồng rau ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đơn vị sẽ tăng cường cập nhật thông tin, dự báo về tình hình phát triển sản xuất rau, củ, quả, giá cả thị trường trong thời gian tới để người dân chủ động sản xuất.
Phòng Nông nghiệp cũng khuyến khích, hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường đảm bảo tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi sản phẩm nông dân làm ra phải có sự liên kết để tiêu thụ. Đây là những giải pháp cấp thiết nhằm nhanh chóng khôi phục lợi nhuận sản xuất cho nông dân, góp phần cung ứng kịp thời nguồn thực phẩm rau, củ, quả tươi cho nhu cầu thị trường trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát.