Đức từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định phản đối cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tuyên bố trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút trên truyền hình trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng lập trường của ông về vấn đề cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine không thay đổi.

"Tôi không nghĩ việc đưa vũ khí tầm xa vào sâu trong lãnh thổ nước Nga là đúng đắn. Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là không nên thực hiện", ông Scholz nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Friedrich Merz lên tiếng ủng hộ việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, nhưng nhấn mạnh việc này phải thực hiện như một phần trong chính sách phối hợp của EU.

Tôi luôn nói rằng việc chuyển giao tên lửa hành trình phải được quyết định tại EU. Mỹ chuyển giao, Pháp chuyển giao, Anh chuyển giao và chúng ta cũng nên chuyển giao", ông Merz nhấn mạnh.

Hồi tháng 11/2024, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp phép cho Ukraine thực hiện những cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. London và Paris cũng sớm có những chấp thuận tương tự.

Ngay sau đó không lâu, Nga chính thức sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik mới để tấn công nhà máy quân sự Yuzhmash ở thành phố Dnepr của Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga có thể sử dụng Oreshnik một lần nữa, bao gồm cả việc tấn công các "trung tâm ra quyết định" ở Kiev, nếu Ukraine tiếp tục tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố tên lửa Oreshnik không thể bị đánh chặn và có sức hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được trang bị đầu đạn thông thường.

Từ những thông tin hiện có, các chuyên gia quân sự nhận định Oreshnik có tầm bắn hiệu quả lên đến hơn 5.500 km và nó vẫn được liệt vào danh sách tên lửa đạn đạo tầm trung.

Về khả năng tấn công của Oreshnik, hệ thống này có thể triển khai đến bất kỳ đâu nếu sử dụng bệ phóng di động dựa trên nền tảng tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa di động (ICBM) RS-26.

Kông Anh (Nguồn: RT)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/duc-tu-choi-cung-cap-ten-lua-tam-xa-cho-ukraine-ar924968.html