Đức tự phát triển vũ khí đánh chặn mạnh hơn Patriot
Để thay thế những hệ thống Patriot cũ kỹ và tăng khả năng đối phó với tên lửa Iskander-M Nga, Đức quyết định phát triển hệ thống đánh chặn cực mạnh.
Ngay từ năm 2015, Đức đã chọn hệ thống phòng không mở rộng tầm trung (MEADS), do Lockheed Martin và tập đoàn MBDA tại Đức và Italy hợp tác phát triển với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD, để trang bị cho lực lượng không quân nước này.
Về cơ bản, MEADS là hệ thống tên lửa đất đối không di động, được thiết kế để ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến lược hoặc từ máy bay.
Không hiểu vì nguyên nhân gì Đức đã quyết định phát triển Hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung (TLVS) dưạtrên cơ sở MEADS.
Việc Đức chọn MEADS và sau đó bắt tay phát triển TLVS bởi hiện nay các hệ thống tên lửa phòng không Patriot đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo lập lá chắn phòng chống đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào các quốc gia châu Âu nhưng hiệu suất của Patriot không thực sự tin cậy.
Theo những thông tin ban đầu được tiết lộ, hệ thống TLVS tích hợp tên lửa đánh chặn MIM-104F sử dụng của tổ hợp PAC-3. Tên lửa này có khả năng cơ động cao và phá hủy mục tiêu bằng phương thức va chạm động năng.
Tuy nhiên nó vẫn mang đầu đạn nổ phá mảnh kích cỡ nhỏ để tăng khả năng tiêu diệt. Ngoài ra tổ hợp TLVS dự kiến sẽ bổ sung tên lửa tầm ngắn IRIS-T SLS, đây là biến thể sửa đổi từ tên lửa không đối không trang bị cho máy bay chiến đấu, làm tăng khả năng tiêu diệt đa dạng các loại mục tiêu cũng như cung cấp thời gian phản ứng rất nhanh.
Vẫn là loại đạn đánh chặn của PAC 3 nhưng điều cốt yếu khiến độ chính xác của TLVS tăng vọt nằm ở các loại radar trang bị cho nó.
Đầu tiên là radar điều khiển hỏa lực đa năng của TLVS có góc phương vị 360 độ, trong khi radar Patriot bị giới hạn ở mức 120 độ. Nó là loại quét mảng pha điện tử chủ động băng sóng X, cung cấp khả năng theo dõi, phân biệt, phân loại chính xác mục tiêu để điều khiển tên lửa đến tiêu diệt.
Tiếp theo, radar giám sát là loại quét mảng pha điện tử chủ động hoạt động trên băng sóng UHF, cho phép phát hiện từ xa các vật thể có tiết diện phản xạ hiệu dụng thấp, độ cơ động cao. Radar này làm việc dưới tần số phát hiện của tên lửa chống bức xạ hiện đại.
Hệ thống quản lý chiến đấu là bộ não của TLVS, nó tính toán tất cả thông số và gửi lệnh bắn vào bệ phóng. Ít nhất 2 tên lửa có thể khai hỏa cùng lúc để bảo đảm chống lại nhiều mối đe dọa hoặc các cuộc tấn công cường độ cao.
Mỗi xe mang phóng tự hành của TLVS mang tới 8 đạn tên lửa đánh chặn sẵn sàng phóng, bệ phóng có kết cấu module giúp thời gian thay đạn cực nhanh. Hệ thống phòng không TLVS có kiến trúc mở, cho phép kết hợp radar cũng các bệ phóng bất kỳ thành một mạng lưới không gian và phòng thủ tên lửa duy nhất.
Theo thiết kế, TLVS còn có thể tương tác được với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa và không gian khác của NATO, thậm chí có thể được điều phối bởi cơ cấu chỉ huy và điều khiển của NATO.
Điều này cho phép kết hợp các khí tài phòng không và chống tên lửa đạn đạo của nhiều quốc gia khác nhau vào một mạng lưới duy nhất. Một khi phát triển thành công và chính thức được trang bị, TLVS được đánh giá là hệ thống đánh chặn tối tân hàng đầu trong khối NATO.