Đức tuyên bố đếm ngược ngày Iran có bom hạt nhân
Truyền thông Đức dẫn tuyên bố một số chuyên gia nước này cho biết, Iran có đủ công nghệ và thiết bị để chế tạo thành công bom hạt nhân trong một tuần.
Hôm 22/4, giới chức lãnh đạo Iran một lần nữa tuyên bố, việc phát triển vũ khí hạt nhân hoàn toàn không có chỗ trong học thuyết hạt nhân của nước này, chương trình hạt nhân của Iran chỉ để phục vụ các mục tiêu dân sự.
Đồng thời, giới chức lãnh đạo Tehran cũng tái khẳng định rằng, người có tiếng nói tối cao về chương trình hạt nhân của Tehran là Đại Giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cấm phát triển vũ khí hạt nhân trong một “sắc lệnh tôn giáo” vào đầu những năm 2000 và đến nay, ông vẫn chưa thay đổi sắc lệnh của mình.
Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì mà trên các trang xã luận của truyền thông Đức trong mấy ngày qua tràn ngập những tiêu đề về việc “Tehran có thể có được vũ khí hạt nhân trong vài tuần tới”. Đặc biệt, tờ báo Bild đưa tin rằng, với những gì đang thể hiện trong mấy tuần qua, nước Cộng hòa Hồi giáo Trung Đông này đang trên đà chế tạo bom hạt nhân.
Ấn phẩm Đức mượn lời các chuyên gia nước này cho biết, giới chức Berlin đang “vô cùng cảnh giác” và cảnh báo rằng chính quyền Tehran đang chuẩn bị chế tạo bom hạt nhân và đủ can đảm để sử dụng nó.
Ấn phẩm này dẫn lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tích hợp, Chiến lược và An ninh Nâng cao tại Đại học Bonn là ông Ulrich Schli cho biết, số ngày Iran sở hữu vũ khí hạt nhân “đang đếm ngược theo đúng nghĩa đen”. Loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này có thể được Iran sử dụng để răn đe Israel.
Quan điểm của chuyên gia Đức nhận được sự tán đồng của chuyên gia về Iran từ Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel là bà Sima Shine. Theo bà, Tehran có đủ trình độ công nghệ và trang, thiết bị cần thiết để có thể hoàn thành công việc chế tạo vũ khí hạt nhân trong tương lai rất gần.
Thậm chí, chuyên gia Sima Shine còn nhấn mạnh rằng, Iran có đủ công nghệ và trữ lượng uranium để sản xuất bom nguyên tử trong vòng một tuần.
Trong mười ngày qua, Tel Aviv và Tehran đã trao đổi các cuộc tấn công tên lửa qua lại và tuyên bố sẵn sàng tiếp tục các cuộc tấn công nếu thấy cần thiết.
Đồng thời, Tel Aviv tuyên bố không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran, còn Tehran cũng tuyên bố nắm rõ và sẵn sàng tấn công các địa điểm quan trọng trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa của Israel, đặc biệt là cơ sở hạt nhân bí mật Dimona ở vùng sa mạc Negev.
Hôm 18/4, Chuẩn tướng Ahmad Haqtalab, chỉ huy Quân đoàn An ninh và Bảo vệ Trung tâm Hạt nhân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố rằng, để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Israel chống lại các cơ sở hạt nhân của mình, Iran có thể xem xét lại chính sách hạt nhân của mình.
Ngay từ năm 2022, Iran từng tuyên bố họ đã làm chủ công nghệ chế tạo bom hạt nhân nhưng “chưa” (chứ không phải là “không”) có kế hoạch thực hiện điều đó.
Năm 2023, Mỹ cũng thông báo rằng, Iran đã có được vật liệu uranium được làm giàu ở mức 20% và 60% cho 5 quả bom hạt nhân và Tehran có thể sản xuất đủ nguyên liệu hạt nhân cho một quả bom trong vòng vài tuần và cần vài tháng để biến nó thành một quả bom.
Giới chuyên gia hạt nhân thế giới nhận xét rằng, với những tiến bộ trong công nghệ chế tạo tên lửa và vệ tinh trong mấy năm qua, rất có thể Iran đã có đủ khả năng làm giàu uranium lên cấp độ vũ khí là 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân.