Đức ủng hộ có điều kiện kế hoạch loại bỏ ô tô có động cơ đốt trong của EU
Chính phủ Đức mới đây đã tuyên bố sẽ hiệu ủng hộ có điều kiện kế hoạch loại bỏ ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035 của Liên minh châu Âu (EU).
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke vừa cho biết nước này sẽ bỏ phiếu ủng hộ gói đề xuất của EU loại bỏ theo từng giai đoạn ô tô có động cơ đốt trong từ năm 2035.
Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ chỉ được ủng hộ nếu đề xuất trên được điều chỉnh, theo đó cho phép bán ô tô chạy bằng nhiên liệu “CO2 trung tính”.
Phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng môi trường EU cùng ngày, ông Lemke nói: “Điều chỉnh bổ sung này rất quan trọng đối với Đức, chúng tôi tin rằng đây cũng có thể là yếu tố cầu nối cho cuộc thảo luận chung”.
Nếu được thông qua, dự luật trên của EU sẽ cấm bán tất cả các loại ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035.
Các bộ trưởng môi trường của 27 quốc gia thành viên EU đang nhóm họp để lên thiết lập một thỏa thuận về luật chống biến đổi khí hậu, trong đó đề xuất về khí thải ô tô sẽ là vấn đề được đặt ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, hiện các nước EU đang chia rẽ về kế hoạch đầy tham vọng này liên quan đến việc loại bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch này. Một số nước như Italy, Bồ Đào Nha, Slovakia, Bulgaria và Romania yêu cầu EU chậm lại giai đoạn này.
Thay vào đó, 5 quốc gia EU trên kêu gọi cắt giảm 90% lượng phát thải CO2 từ ô tô vào năm 2035 và mục tiêu 100% vào năm 2040. Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa tuyên bố: “Năm 2035 không phải là thời điểm thích hợp với Ba Lan”.
Trong khi đó, một quan chức Bulgaria giấu tên cũng cho biết các chính sách khí hậu cần phải xem xét các yếu tố kinh tế và xã hội, chẳng hạn như sự khác biệt đáng kể về sức mua giữa các nước thành viên EU.
Brussels đã cảnh báo rằng việc trì hoãn lệnh cấm có thể cản trở EU đạt được mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2050, một mục tiêu mà các nhà khoa học cho rằng có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Việc loại bỏ động cơ đốt trong là một phần trong gói đề xuất lớn về khí hậu của EU, được đưa ra để giúp châu Âu thực hiện mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990.
Nếu các bộ trưởng môi trường EU đồng ý, các dự thảo luật này sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị viện châu Âu trước khi được ban hành. Việc không đạt được đồng thuận về một thỏa thuận loại bỏ ô tô có động cơ đốt trong có thể làm trì hoãn các đề xuất khác./.