Đức và Ba Lan phát hiện tảo độc trong cá chết hàng loạt trên sông Oder
Ngày 22/8, Đức và Ba Lan thông báo đã phát hiện tảo độc trong các mẫu cá lấy từ sông Oder, sau khi tình trạng cá chết hàng loạt làm dấy lên quan ngại về thảm họa môi trường.
Kể từ tháng 7, tổng cộng có hơn 100 tấn cá chết đã được vớt lên từ sông Oder, con sông chảy qua cả Đức và Ba Lan. Trả lời phỏng vấn, người phát ngôn Bộ Môi trường Đức Andreas Kuebler tuyên bố sự phát triển ồ ạt của tảo độc trong nước lợ có thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Viện dẫn kết quả thí nghiệm từ Viện Leibniz (Đức) và Đại học Vienna (Áo), người phát ngôn nhận định sự hình thành loại tảo độc này không hoàn toàn là hiện tượng tự nhiên và chúng cũng không phát triển tới quy mô này trong điều kiện tự nhiên.
Theo ông Kuebler, loài tảo độc nhiều khả năng phát triển mạnh là do độ mặn cao trong nước, vốn không phải là điều kiện bình thường của sông Oder và chỉ có thể là hậu quả của chất thải công nghiệp.
Trên mạng Twitter, Thứ trưởng Môi trường Ba Lan Jacek Ozdoba thông báo các cuộc kiểm tra đã xác nhận về sự hiện diện của tảo độc Prymnesium Parvum.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng chất thải hóa chất có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Tuy nhiên, tuần trước, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Anna Moskwa cho biết đến nay, không mẫu nào được kiểm tra cho thấy có sự hiện diện của các chất độc. Chính phủ cũng đang xem xét các nguyên nhân tự nhiên cũng như nồng độ chất thải, độ mặn cao do ảnh hưởng của mực nước thấp và nhiệt độ cao.
Trong những năm qua, Oder được biết đến là con sông tương đối sạch, là nơi sinh sống của 40 loài cá nội địa.