Đức và Pháp nhấn mạnh giải pháp duy nhất cho Trung Đông
Ngày 5/2, trong cuộc đã điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để đạt được nền hòa bình lâu dài trong khu vực.
Thông báo về nội dung cuộc hội đàm, người phát ngôn của Thủ tướng Scholz cho biết nhà lãnh đạo Đức nêu rõ quan điểm của Berlin rằng chỉ có giải pháp hai nhà nước sau khi được các bên đàm phán mới có thể mở ra triển vọng về một phương án giải quyết bền vững cuộc xung đột ở Trung Đông.
Cùng ngày 5/2, Thủ tướng Netanyahu đã tiếp Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nhân chuyến thăm của quan chức Pháp tới Trung Đông nhằm tìm kiếm cơ hội đạt thỏa thuận ngừng bắn trên Dải Gaza.
Tại buổi gặp, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Chính phủ Israel nên chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây, cho rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể để người Palestine bị ép buộc phải rời bỏ quê hương, dù là ở Dải Gaza hay ở Bờ Tây.
Ngoại trưởng Sejourne cũng đồng thời phản đối mọi luận điệu bài người Palestine, kêu gọi ủng hộ Chính quyền Palestine (PA) tại Bờ Tây do Tổng thống Mahmud Abbas lãnh đạo. Ông nêu rõ PA phải đổi mới và tái hiện diện ở Dải Gaza vì đây là đất của người Palestine.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Sejourne kêu gọi một giải pháp chính trị toàn diện, hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình, nối lại ngay lập tức tiến trình hòa bình Trung Đông. Israel và Palestine chưa tổ chức vòng đàm phán hòa bình nào trong hơn 10 năm qua. Đây là chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Pháp tới Trung Đông kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1/2024.
Cùng ngày, ông đã tới Ramallah gặp người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki và yết kiến Tổng thống Abbas, trong đó tái khẳng định nếu không có một giải pháp chính trị sẽ không có hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông.
Trong khi đó, chiều 5/2, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp khẩn cấp theo đề nghị của Nga, trong bối cảnh chiến sự tại Dải Gaza tiếp tục lan rộng ra khắp Trung Đông và có nguy cơ dẫn tới những hậu quả thảm khốc đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách chính trị và kiến tạo hòa bình Rosemary DiCarlo cảnh báo các vụ tấn công gia tăng tại nhiều nơi ở Trung Đông đang khiến nguy cơ tính toán sai lầm thêm cận kề, đồng thời hối thúc hành động khẩn cấp để hạ nhiệt căng thẳng.
Bà Rosemary cho hay Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ căng thẳng quân sự leo thang và tính toán sai lầm kể từ khi xảy ra xung đột giữa phong trào Hamas và Israel sẽ đẩy khu vực này vào “chảo lửa".
Theo quan chức LHQ, các vụ tấn công diễn ra gần như hằng ngày trên khắp Trung Đông, trong đó có khoảng 165 vụ tấn công vào các cơ sở Mỹ ở Syria và Iraq, châm ngòi cho chiến dịch không kích đáp trả của Mỹ nhằm vào hai nước này.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun tuyên bố lịch sử đã chứng minh rằng sử dụng các biện pháp quân sự sẽ không mang lại bất kỳ giải pháp nào cho những căng thẳng ở Trung Đông. Ông Zhang Jun hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động quân sự phi pháp và không để tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, mấu chốt của vấn đề hiện nay là chưa có một lệnh ngừng bắn ở Gaza, nhấn mạnh mọi quốc gia cần phải cam kết theo đuổi mục tiêu chung là đảm bảo ổn định khu vực.
Về phần mình, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Vương quốc Anh tại LHQ Barbara Woodward tuyên bố Anh “hoàn toàn ủng hộ” mọi nỗ lực nhằm đảm bảo và duy trì hòa bình-an ninh quốc tế, trong đó có hòa bình và an ninh ở Iraq, Syria.
Cũng trong ngày 5/2, Tổng Thư ký LHQ Guterres thông báo quyết định thành lập ủy ban độc lập để đánh giá về Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Trong thông báo, ông Guterres cho biết ủy ban độc lập mới sẽ do cựu Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đứng đầu, phối hợp với 3 tổ chức nghiên cứu châu Âu.
Nhiệm vụ chính của ủy ban là đánh giá UNRWA có làm mọi thứ trong khả năng sẵn có để đảm bảo tính trung lập và phản hồi các cáo buộc về các vi phạm nghiêm trọng hay không.
Dự kiến, ủy ban sẽ đệ trình báo cáo sơ bộ cho Tổng Thư ký LHQ vào cuối tháng Ba tới và sau đó là báo cáo cuối cùng vào cuối tháng 4, với các khuyến nghị (nếu cần thiết) nhằm "cải thiện và tăng cường" các cơ chế của cơ quan.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, đã hoan nghênh động thái của LHQ. Viết trên mạng xã hội X, ông Katz cho biết sẽ gửi bằng chứng liên quan các cáo buộc nhằm vào UNRWA cho ủy ban trên.
Dù vậy, ủy ban mới thành lập không chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc cụ thể mà Israel đưa ra đối với các nhân viên UNRWA. Vấn đề này đang được làm rõ trong một cuộc điều tra nội bộ khác mà LHQ tiến hành từ tháng trước, sau khi các cáo buộc lần đầu tiên được đưa ra.
UNRWA đang gặp khó khăn về nguồn tài trợ. Khoảng 15 trong số những nước tài trợ quan trọng nhất cho cơ quan này, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Thụy Điển, đã quyết định đình chỉ tài trợ cho UNRWA sau khi xuất hiện cáo buộc cho rằng một số nhân viên của cơ quan này có liên quan tới cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel.
Ngày 5/2, Tây Ban Nha thông báo sẽ cung cấp bổ sung khẩn cấp 3,5 triệu euro (3,8 triệu USD) cho UNRWA duy trì các hoạt động trong ngắn hạn. Phát biểu trước Ủy ban Quốc hội, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares lo ngại hoạt động nhân đạo ở Dải Gaza có thể tê liệt trong vài tuần tới vì UNRWA gặp khó khăn.