Đức xích lại gần châu Phi nỗ lực 'giải cơn khát năng lượng'
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du 2 nước châu Phi gồm Nigeria và Ghana; trong khi Tổng thống nước này, ông Frank-Walter Steinmeier cùng thời điểm cũng có chuyến công du hai quốc gia châu Phi khác là Tanzania và Zambia.
Thông qua loạt chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo Đức kỳ vọng có thể đa dạng hóa đối tác thương mại cũng như mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia thuộc khu vực giàu năng lượng và tài nguyên.
Trọng tâm của chuyến thăm
Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Châu Phi trong vòng 2 năm qua. Và không chỉ riêng ông Scholz, hàng loạt quan chức Đức cũng liên tiếp có những chuyến thăm lục địa này. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, Robert Habeck, đã đến thăm Namibia và Nam Phi vào tháng 12 năm 2022. Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Christian Lindner, tới Mali và Ghana vào tháng 2/2023. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Hubertus Heil và Bộ trưởng Hợp tác, Svenja Schulze, đã đến thăm Ghana và Bờ Biển Ngà vào tháng 2/2023. Hàng loạt chuyến thăm dồn dập cho thấy Đức đang đặt Châu Phi là trọng tâm cho chiến lược kinh tế mới của mình.
Và trên thực tế, kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra cho đến nay, Đức, nền kinh tế hàng đầu ở Châu Âu với các ngành công nghiệp đòi hỏi một sản lượng khổng lồ về khí đốt, vẫn chơi vơi trong bài toán tìm nguồn cung mới. Và nhu cầu này lại một lần nữa cấp bách hơn khi các căng thẳng địa chính trị đang ngày một leo thang tại khu vực Trung Đông.
Với trữ lượng 2,83 nghìn tỷ mét khối khí đốt chưa được khai thác ở ngoài khơi bờ biển Sénégal và Mauritania, với sản lượng khí đốt khổng lồ đến từ Algeria (nước sản xuất khí đốt lớn thứ mười trên thế giới) và các mỏ khí đốt của các nước như Nigeria, Angola, Ai Cập và Libya, Châu Phi là ứng cử viên số một cho bài toán năng lượng khiến nhiều chính trị gia Đức đau đầu trong vài năm qua.
Ngoài ra, Châu Phi cũng là lục địa sở hữu lượng khoáng sản và tài nguyên thô lớn bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Trong thời gian dài sắp tới, không chỉ riêng Đức mà các nước Châu Âu đều sẽ phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô cần thiết từ Châu Phi cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại châu lục. Các nguyên liệu điển hình có thể kể tên như lithium hay coban.
Không dừng lại ở đấy, Châu Phi trên thực tế là lục địa có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới. Hiện đang có 1,3 tỷ người sống trên lục địa ngày nay, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 2,5 tỷ người vào năm 2050. Nếu không có tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm mới vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội mà lục địa này phải trải qua sẽ rất tàn khốc.
Theo nghiên cứu của Quỹ Friedrich-Ebert, mỗi năm, khoảng 20 triệu người Châu Phi, chủ yếu là thanh niên, rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các ngành công nghiệp Đức để tranh thủ các cơ hội hợp tác kinh tế với Châu Phi. Đức có thể tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ trên lục địa hoặc đầu tư vào các ngành sản xuất nông nghiệp. Qua đó bán lượng lớn các máy móc tiên tiến của mình để đổi lấy tài nguyên, giảm sự phụ thuộc kinh tế của mình với Trung Quốc hay phụ thuộc về năng lượng với các nước Trung Đông và Nga.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các công ty Đức hầu như không tận dụng được cơ hội hiện có ở Châu Phi. Điều này có thể lý giải bởi các vấn đề chính trị bất ổn trong khu vực. Thế nên ngoài năng lượng và hợp tác kinh tế, một trong những trọng tâm của chuyến thăm Châu Phi của các nhà lãnh đạo Đức là tìm ra một môi trường đầu tư ổn định và lâu dài cho nước nhà. Ghana và Nigeria, 2 quốc gia mà Thủ tướng Olaf Scholz tới thăm rõ ràng không phải được chọn một cách tình cờ. Nigeria là quốc gia đông dân nhất trên lục địa và là quốc gia sản xuất khí đốt. Trong khi đó Ghana được coi là nơi đầu tư an toàn của các công ty Đức.
Cuộc chạy đua tới châu Phi
Bài toán di cư đang khiến Liên minh châu Âu đau đầu trong khoảng thời gian gần đây. Và người dân Đức hiện đang lo lắng vấn đề di cư có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ trong trường hợp nước này phải đón nhận một lượng lớn người di cư trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nước Đức phải “chậm lại” trong cuộc chay đua đến Châu Phi mà ngược lại, Đức lại càng phải tăng tốc trong vấn đề tiếp cận lục địa này.
Dù như thế nào đi chăng nữa thì dòng người di cư trên thế giới đều vẫn sẽ đổ về Châu Âu với điểm đến là miền đất hứa Anh, Đức hay các nước Bắc Âu. Thế nên, việc tiếp cận Châu Phi nhanh hay chậm cũng không thay đổi được thực tế này. Nhưng trong trường hợp Đức có thể thiết lập được các mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước Châu Phi, thì nước này hoàn toàn có thể chủ động trong việc tiếp nhận dòng người di cư.
Thay vì phải chấp nhận những người di cư không đạt đủ tiêu chuẩn về trình độ cũng như khả năng lao động, thì với các thỏa thuận hợp tác, Đức có thể đẩy nhanh quá trình hồi hương của người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn và ưu tiên nguồn nhân lực Châu Phi có trình độ và tay nghề.
Việc tiếp cận nhanh chóng Châu Phi và xây dựng các nhà máy hay các công ty sẽ giúp các nước ở lục địa này phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân, giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Qua đó làm giảm nhu cầu di cư và xin tị nạn, giải quyết vấn đề tận gốc. Khi đó, dòng người di cư sẽ là tầng lớp tri thức có trình độ phát triển với mong muốn tiến tới thế giới hiện đại hơn. Điều này lại càng phù hợp với nhu cầu hiện tại của Đức về vấn đề thiếu thốn nhân lực trong thời gian qua.
Ngoài ra, nếu so với các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Nga, chiến lược Châu Phi của Đức hiện có thể nói là khá muộn màng. Các cường quốc kể trên đều đã ít nhiều gây được ảnh hưởng to lớn trên lục địa và hầu như đã chia cắt xong các lĩnh vực thế mạnh của mình. Việc Đức tiếp tục chần chờ sẽ chỉ làm tình hình ngày một khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Đức trong công cuộc chinh phục Châu Phi. Đức có nhiều thế mạnh về công nghiệp nhưng không phải là tuyệt đối.
Các nước cạnh tranh khác có thể sẽ đẩy các công ty Đức vào tình thế xấu một khi họ xây dựng được thói quen với người dân Châu Phi. Theo các chuyên gia, ngay cả so sánh với Pháp, nước láng giềng của Đức ở Châu Âu, thì chiến lược Phi tiến của Đức là khá non nớt. Và nếu Đức vẫn giữ nguyên tâm lý chỉ đầu tư khi chắc chắn thì Châu Phi có lẽ không phải là một miền đất hứa như nước này mong đợi.
Ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm
Chuyến thăm Châu Phi lần này của các nhà lãnh đạo Đức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các hợp tác về kinh tế, năng lượng cũng như nhân khẩu học. Đồng thời đây cũng là cơ hội để cho Đức có thể xóa bỏ các hiềm khích về một chế độ thực dân cũ với các nước Châu Phi. Không chỉ thế, đây cũng là cơ hội để cho Đức có thể tạo ra một kiểu hợp tác mẫu. Các thành công đến từ lần hợp tác này sẽ là ví dụ tốt nhất cho các nước tham dự Hội nghị Berlin giữa các nước châu Phi và G20 vào tháng 11/2023, có thể tham khảo và cân nhắc về việc tiến đến các thỏa thuận hợp tác với Đức. Thế nên nhiệm vụ của cả Thủ tướng và Tổng thống Đức trong chuyến công du lần này là hết sức quan trọng.
Không những thế, đây cũng là cơ hội để ông Olaf Scholz có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Phi rằng châu Âu nghiêm túc trong việc mở ra một chương mới trong hợp tác hai bên và hướng tới nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp để thảo luận về những thách thức chung như an ninh, di cư, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Scholz cũng muốn thông qua chuyến thăm này này để tham khảo ý kiến một số đối tác quan trọng của Đức tại lục địa, tạo nên một hành lang an toàn và tranh thủ được sự ủng hộ của các đối tác đó. Qua đó chuẩn bị cho Hội nghị Berlin sẽ diễn ra vào ngày 20/11 tới. Với việc có được sự hậu thuẫn, ông Scholz cùng các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi sẽ nắm chắc hơn trong việc thúc đẩy sáng kiến "Thỏa thuận với châu Phi" hướng đến mở ra cơ hội đầu tư bền vững vào nhiều ngành ở châu Phi, bao gồm cả cơ sở hạ tầng.