Dun & Bradstreet: Kinh tế toàn cầu suy giảm 5,2% trong năm 2020

Nền kinh tế toàn cầu có khả năng suy giảm 5,2% (tăng trưởng -5,2%) vào năm 2020, triển vọng kinh tế của các quốc gia trên thế giới càng thêm bất ổn khi tỷ lệ dịch bệnh vẫn đang tăng cao, theo Báo cáo về Rủi ro Quốc gia và Toàn cầu.

Theo Báo cáo về Rủi ro Quốc gia và Toàn cầu của Dun & Bradstreet (D&B) trên 132 quốc gia và khu vực, triển vọng phục hồi trở nên ảm đạm hơn và nền kinh tế toàn cầu sẽ không phục hồi được đến mức trước đại dịch cho đến năm 2022.

Báo cáo cho biết "D&B hiện đang dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ở mức 5,2% trong năm 2020 – mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và được ghi nhận giảm mạnh hơn nhiều so với mức 1,7% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009".

Cục diện châu Á – Thái Bình Dương bị cho là khó có thể phục hồi trước cuối năm 2020.

Nhà kinh tế trưởng của Dun & Bradstreet, ông Arun Singh cho biết: "Áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng đồng nghĩa với việc giá trị tài sản tài chính sẽ không phản ánh được cú sốc kinh tế đối với các yếu tố cơ bản trên toàn cầu. Tuy nhiên, với nhiều quốc gia đã nới lỏng giãn cách xã hội, tình hình tài chính đã đa dạng hơn khi mà chất lượng nhiều sản phẩm được nâng cao trong khi một vài sản phẩm khác lại giảm sút".

Ông cho biết thêm: "Điều đáng lo ngại rằng nền kinh tế vẫn có những dấu hiệu rõ rệt về một cuộc suy thoái mạnh mẽ và chúng tôi dự đoán rằng, nền kinh tế sẽ không thể quay lại ở mức hoạt động trước đại dịch cho đến năm 2022".

Báo cáo cho biết bất kỳ dấu hiệu phục hồi trong nào 2021 (ngay cả khi đại dịch không tái diễn) vẫn sẽ bị hạn chế bởi một số yếu tố. Đầu tiên, tỷ lệ hạn chế tiếp xúc xã hội sẽ tăng (mặc dù ở một vài nơi đã mở cửa nền kinh tế). Tiếp sau là thất nghiệp và nghèo đói hậu đại dịch cũng ở mức đáng báo động.

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã đạt mốc 12.5 triệu và số ca tử vong đã lên đến 560.000 người. Tại Ấn Độ, số ca tử vong đã tăng lên 22.674 và 850 nghìn ca nhiễm tính đến thời điểm hiện tại.

Nhà kinh tế trưởng của Dun & Bradstreet, Arun Singh chỉ ra rằng trong năm tài khóa này, nền kinh tế của Ấn Độ sẽ còn thắt chặt hơn nữa dù nền tài chính của quốc gia này đã có những bước phát triển đáng kể trong bốn thập kỷ qua.

Ông nói thêm: "Vào tháng 3, chúng tôi đã hạ xếp hạng của Ấn Độ từ DB4d xuống đến DB5c – cả hai đều là mức độ xuống dốc và tỷ lệ rủi ro cao nhất kể từ năm 1994".

Mức DB5 có nghĩa là thị trường rủi ro cao, đồng nghĩa với việc tính chắc chắn liên quan đến lợi nhuận dự kiến gần như bằng 0. Các doanh nghiệp nên hạn chế giao dịch trên những thị trường này.

Chỉ số đánh giá rủi ro của Dun & Bradstreet cung cấp số liệu để đưa ra so sánh và đánh giá về rủi ro kinh doanh trên các quốc gia cụ thể. Chỉ số đánh giá rủi ro này được chia thành bảy mức độ, từ DB1 đến DB7, với DB1 gắn với mức độ rủi ro thấp nhất.

Mỗi mức độ lại được chia thành 4 mức nhỏ hơn (từ a đến d), với ‘a’ đại diện cho tính rủi ro nhỏ nhất. Duy chỉ có mức độ DB7 sẽ không được chia nhỏ.

Q.L

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dun-bradstreet-kinh-te-toan-cau-suy-giam-52-trong-nam-2020-42020127183049805.htm