Đùn đẩy trách nhiệm vụ ACB bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa

Ng

ày 23-5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến bị cáo Nguyễn Đức Kiên và 8 bị cáo khác về các tội danh "kinh doanh trái phép", "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "trốn thuế".

Đây là ngày thứ 4 diễn ra phiên xét xử sơ thẩm.

8h40, tòa tiếp tục làm việc với việc thẩm vấn đại diện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước về nội dung Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (hiệu lực ngày 1-1-2010) có nội dung Điều 106 quy định về ủy thác tài chính. Đại diện NHNN cho biết, quy định của pháp luật chỉ có nội dung về ủy thác cho vay (áp dụng với tổ chức tín dụng), chưa có nội dung hướng dẫn về ủy thác cho cá nhân gửi tiền trong khi ủy thác tiền gửi là nghiệp vụ phải có hướng dẫn của NHNN.

(ảnh: Dân trí)

(ảnh: Dân trí)

Trước khi HĐXX xét hỏi các bị cáo, Nguyễn Đức Kiên lại được cách li.

9h, HĐXX xét hỏi bị cáo Lý Xuân Hải về việc ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền tại Vietinbank. Hải khai biên bản họp HĐQT đã giao việc ủy thác gửi tiền trên cho 2 người là Hải và kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa.

Lý Xuân Hải khai đã giao cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa trực tiếp triển khai nghiệp vụ này, Hải không đôn đốc, không kiểm tra, không chỉ đạo.

Đối chất trước tòa, Nguyễn Văn Hòa cho biết, Lý Xuân Hải ký giấy ủy quyền cho mình triển khai nghiệp vụ. Trong quá trình gửi tiền, kế toán trưởng báo cáo hằng ngày cho Tổng Giám đốc về các hoạt động liên quan, lãi suất, hỏa hồng… Nguyễn Văn Hòa khai, giao nhân viên (Huỳnh Bảo Ngọc, Phó phòng Quản lý quỹ và Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Kế toán Ngân hàng ACB) đi liên hệ với các ngân hàng, báo cáo lãi suất, hỏa hồng, khi được đồng ý thì ký hợp đồng ủy thác gửi tiền. Nguyễn Văn Hòa khai không biết Huỳnh Thị Huyền Như. Nguyễn Văn Hòa cho rằng việc quy trình chuyển và gửi tiền tại các ngân hàng khác là đúng.

Đại diện NHNN tiếp tục được thẩm vấn, cho rằng quy trình gửi tiền như trên là sai.

HĐXX đã thẩm vấn Huỳnh Bảo Ngọc về mối quan hệ với Huỳnh Thị Huyền Như. Huỳnh Bảo Ngọc khai trước đó không biết Như, chỉ gặp sau khi Nguyễn Văn Hòa giao đi liên hệ. Huyền Như là người trực tiếp gặp, trao đổi các thông tin về việc gửi tiền (lãi suất). Chi tiết các cuộc gặp và thông tin trao đổi, Bảo Ngọc khai không nhớ nhưng có báo cáo với ông Hòa. Chi tiết thông tin các giao dịch, số tiền, hỏa hồng, Huỳnh Bảo Ngọc khai không biết.

Trước HĐXX, Huỳnh Bảo Ngọc cho rằng cá nhân không có trách nhiệm gì trong việc 19 nhân viên ACB được ủy thác gửi tiền vào 22 ngân hàng.

Tòa dẫn lời khai của 1 trong 19 nhân viên và cho rằng quy trình gửi tiền có sai sót.

10h5 tòa nghỉ giải lao. Trong thời gian giải lao, các bị cáo đã được tiếp xúc với người nhà. Nguyễn Đức Kiên đã được gặp vợ ngay tại khu vực dành cho bị cáo trước vành móng ngựa trước sự giám sát của lực lượng Cảnh sát.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên gặp vợ tại tòa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên gặp vợ tại tòa

10h25': Đại diện VKS tiếp tục xét hỏi Nguyễn Văn Hòa về quá trình giao cho nhân viên đi liên hệ, gửi tiền của ACB vào các ngân hàng khác. Nguyễn Văn Hòa khai không nhớ cụ thể số tiền đã gửi và số tiền chênh lệch.

10h40': Huỳnh Thị Huyền Như được gọi lên xét hỏi trước tòa với tư cách nhân chứng bắt buộc. Huỳnh Thị Huyền Như cho biết trước đó không có quan hệ với Huỳnh Bảo Ngọc cho đến khi được Ngọc liên hệ để tìm hiểu việc gửi tiền. Huỳnh Thị Huyền Như đã khai trước tòa về các điều kiện lãi suất, hoa hồng để gửi tiền vào Vietinbank. Như cho biết một số khách hàng gửi với lãi suất 14% nhưng đòi có thêm hoa hồng và Như trực tiếp giải quyết chi thêm số hoa hồng này. Ngọc liên hệ với Như và đề nghị Như mở trước một số tài khoản cho số người gửi mà Ngọc giới thiệu… Huỳnh Thị Huyền Như khai, khách hàng muốn mở tài khoản tại ngân hàng thì phải đến trực tiếp nhưng các khách hàng đến từ ACB đã không thực hiện việc đó nên nhân viên Vietinbank không thể đối chiếu, kiểm tra. Đó là sơ hở của ACB. ACB cũng không có phản hồi nào về các hợp đồng gửi mà Như thông báo. Các chủ tài khoản này cũng không kiểm tra, phát hiện việc các tài khoản này bị (Huyền Như) xâm phạm, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền. Huyền Như khai đã làm giả hợp đồng để chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng…

Huyền Như khai đã làm giả hợp đồng để chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng.

Huyền Như khai đã làm giả hợp đồng để chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng.

Đối chất trước tòa, Huỳnh Bảo Ngọc cho rằng lời khai của Như không chính xác nhưng Huỳnh Thị Huyền Như khẳng định giữ nguyên lời khai. Như cho rằng có thể do các khách hành đến từ ACB không sử dụng tiền túi cá nhân nên không quan tâm đến việc giao dịch gửi tiền này. Nếu ngay từ đầu, người gửi tiền thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ thì nhân viên Vietinbank không thể để Huyền Như thao túng các tài khoản này.

11h10': Tòa kết thúc phiên làm việc buổi sáng.

14h35': Tòa tiếp tục làm việc. HĐXX thẩm vấn đại diện ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) về cơ cấu tổ chức của ngân hàng, chức vụ và nhiệm vụ của Huỳnh Thị Huyền Như tại chi nhánh Vietinbank TP Hồ Chí Minh… Về trách nhiệm khi để xảy ra việc Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền của ACB, đại diện Vietinbank cho rằng cá nhân Huyền Như phải chịu trách nhiệm. Các hợp đồng có con dấu của chi nhánh chỉ có tính nguyên tắc, làm cơ sở cho các giao dịch sau đó, được xây dựng từ hồ sơ hợp lệ, chưa phát sinh sai phạm. Vì ACB buông lỏng quản lý mới dẫn đến tình trạng Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Vietinbank không chiếm đoạt tiền nên không chịu trách nhiệm về số tiền bị chiếm đoạt của ACB.

Đại diện ngân hàng ACB trình bày quan điểm về việc Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền, vị đại diện cho rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra việc mất tiền là do Huyền Như làm giả giấy tờ. Vị đại diện cũng cho rằng, số tiền hơn 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt là trách nhiệm của Vietinbank.

14h45': Nguyễn Đức Kiên xin được phát biểu, cho rằng đại diện Vietinbank và Huyền Như trình bày sai bản chất vụ việc. Nhân viên ACB giao dịch với Huyền Như - đại diện của Vietinbank chứ không phải giao dịch với cá nhân Huyền Như nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm. Hoạt động gửi tiền này, Vietinbank có trách nhiệm hạch toán và đều biết, đề nghị cơ quan CA điều tra từ khi việc Vietinbank mở tài khoản.

14h45': Tòa chuyển sang xét hỏi về hành vi “cố ý làm trái” trong đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB, được cho là gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỷ đồng. Nguyễn Đức Kiên được cách li khỏi phòng xử.

Tòa thẩm vấn Lê Vũ Kỳ về hoạt động của ACBS (Công ty chứng khoán do ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ, Lê Vũ Kỳ là Chủ tịch HĐQT). Bị cáo khẳng định việc ACBS mua cổ phiếu của ACB là sai. Đầu tháng 11-2009, Thường trực HĐQT ACB quyết định mua cố phiếu vì giá cả đang “diễn biến thuận lợi”. Lê Vũ Kỳ khai, Nguyễn Đức Kiên được HĐQT ủy quyền nên Kiên trực tiếp chỉ đạo ACBS mua cổ phiếu, Kỳ không trực tiếp tham gia. ACBS đã cấp khoản hạn mức 700 tỷ đồng cho việc mua cổ phiếu. Lê Vũ Kỳ khai chỉ ký vào văn bản đề xuất phê chuẩn đối tác kinh doanh là 2 Công ty mà Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch HĐ thành viên là ACI và ACI – Hà Nội để các công ty này đứng tên mua cổ phiếu của ACB. Việc ký các hợp đồng hợp tác đầu tư này, Kỳ khai do TGĐ ACBS là Nguyễn Ngọc Chung ký.

Tại tòa, ông Nguyễn Ngọc Chung khai ký hợp đồng do sự chỉ đạo của HĐQT, trực tiếp chỉ đạo là Nguyễn Đức Kiên.

Tòa hỏi Lê Vũ Kỳ về việc ACB cho Kienlongbank vay tiền. Bị cáo khai không biết. Quá trình mua cổ phiếu, kiểm toán chỉ trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Chung, bị cáo không biết. Kỳ khẳng định biết Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ACBS liên doanh liên kết với ACI và ACI-HN.

Ông Nguyễn Ngọc Chung khai Kiên chỉ đạo ACBS phát hành trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng. Theo cáo trạng, cũng theo chỉ đạo của Kiên, số tiền này được ACB cho KienLongbank và Vietbank vay để 2 ngân hàng này mua cổ phiếu của ACBS như một hình thức cho ACBS vay. Nguyễn Ngọc Chung thừa nhận việc hợp tác đầu tư của ACBS và ACI và ACI-HN là không đúng, đã yêu cầu hoàn trả tiền.

HĐXX thẩm vấn đại diện Công ty kiểm toán PwC. Đơn vị này đã kiểm toán ACBS vào tháng 6-2010 và khuyến nghị việc hợp tác của ACBS và 2 Công ty của Nguyễn Đức Kiên là sai. Vị đại diện xác nhận việc kiểm toán 6 tháng đầu năm 2010 của ACBS.

HĐXX xét xử bị cáo Trịnh Kim Quang. Bị cáo khai có tham gia cuộc họp HĐQT bàn việc đầu tư cổ phiếu. Cuộc họp có bàn về việc mua cổ phiếu của ACB và đã ra nghị quyết về việc mua cổ phiếu, giao Nguyễn Đức Kiên – lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB. Nhưng bị cáo cho rằng, khi ra nghị quyết không chỉ đạo cụ thể mua cổ phiếu ACB. Khi tòa trích lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra rằng nghị quyết có chỉ đạo mua cổ phiếu của ACB, bị cáo cho rằng bị ép cung.

15h35, HĐXX xét hỏi bị cáo Phạm Trung Cang. Bị cáo liên tục cho rằng không nhớ về cuộc họp của HĐQT bàn về việc mua cổ phiếu nhưng khai HĐQT đã giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo việc mua cổ phiếu. Về lời khai của mình tại cơ quan điều tra, Phạm Trung Cang cho rằng do cán bộ điều tra đưa vào, một số phần đã đề nghị sửa nhưng do không đủ thời gian. Phạm Trung Cang khai hoàn toàn không biết quá trình Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo mua cổ phiếu, chỉ biết khi có Lý Xuân Hải cho biết về cảnh báo của Công ty kiểm toán. Phạm Trung Cang không khẳng định đúng hay sai trong việc ACI mua cổ phiếu của ACB bằng tiền của ACB. Phạm Trung Cang cho rằng HĐQT không chủ trương mua cổ phiếu trái pháp luật, ai làm sai phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, bị cáo cho rằng cá nhân không phải chịu trách nhiệm.

16h, tòa nghỉ giải lao.

16h15, tòa tiếp tục làm việc, xét hỏi các bị cáo. Bị cáo Lý Xuân Hải khẳng định trong nội dung chính thức của HĐQT tháng 11-2009 không bàn về việc mua cổ phiếu của ACB, chỉ có các cổ đông lớn bàn về cổ phiếu của ACB. Trong khi đó, HĐXX đưa ra lời khai của một số bị cáo khác cho rằng cuộc họp có bàn về một số cổ phiếu có tính thanh khoản cao, trong đó có ACB. Hải khai, việc ACBS hợp tác với ACI, ACI-HN mua cổ phiếu chỉ biết khi có kiểm toán cảnh báo. Khi đó, quan điểm của bị cáo là không nên có sự hợp tác mua cổ phiếu này. Bị cáo cho rằng, việc hợp tác đầu tư không sai, nhưng nếu đầu tư vào cổ phiếu của ACB thì có thể bị hiểu là 1 đơn vị của ACB đầu tư vào ACB và vì thế là không nên. Lý Xuân Hải khẳng định chính mình yêu cầu ACBS không tiếp tục hợp tác với ACI và ACI-HN.

Tại tòa, ông Nguyễn Ngọc Chung đã xác nhận một số lời khai, thể hiện việc nhận chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên trong việc hợp tác với ACI, ACI-HN để mua cổ phiếu; việc đầu tư mua cổ phiếu của ACB, chỉ đạo qua ACBS, ACB là người chuẩn bị nguồn vốn…

HĐXX thẩm vấn kế toán trưởng của ACB là Nguyễn Văn Hòa về quá trình tất toán giữa ACI, ACI-HN và ACBS, theo đó 2 Công ty ACI phát hành trái phiếu để lấy tiền trả ACBS.

Đại diện của 2 Công ty ACI được thẩm vấn về hợp đồng hợp tác đầu tư với ACBS, nhưng không nhớ chi tiết, chỉ nhớ số tiền ACBS đổ vào ACI khoảng 1.100 tỷ đồng.

16h55, tòa xét hỏi Nguyễn Đức Kiên. Bị cáo khai, cuộc họp của thường trực HĐQT ACB là cuộc họp giao ban, bàn về nhiều vấn đề, bàn về đầu tư của ACB, bàn về nhiều loại cổ phiếu, riêng cổ phiếu ACB không bàn trong cuộc họp này. ACB không có chủ trương mua cổ phiếu ACB. Bị cáo chỉ báo cáo về tình hình cổ phiếu của ACB chứ không bàn về việc mua cổ phiếu. Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng không biết việc mua cổ phiếu ACB cho đến khi được Lý Xuân Hải thông báo. Với lời khai của Nguyễn Ngọc Chung, Nguyễn Đức Kiên cho rằng không chính xác vì Kiên không chỉ đạo ông Chung và theo quy định mọi chỉ đạo phải được thực hiện bằng văn bản.

17h30, tòa kết thúc ngày làm việc thứ 4.

Thành Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/phap-dinh/684300/truc-tiep-vu-bau-kien-vietinbank-va-acb-tranh-cai-trach-nhiem-ve-so-tien-718-ty-dong