Dừng bảo hiểm Covid-19, quyền lợi người đã mua ra sao?
Ngay sau khi có chỉ đạo không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu khách hàng đã kí hợp đồng có được đảm bảo quyền lợi?
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.
Ngay sau đó, ngày 31/3, Bộ Tài Chính đã tiến hành gửi công văn thông báo tới các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 10 Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Trao đổi với TheLEADER, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện - PTI xác nhận, doanh nghiệp đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài Chính, đồng thời tuân thủ dừng giới thiệu, triển khai các gói bảo hiểm có liên quan.
Với đối tượng khách hàng đã mua gói bảo hiểm Covid-19 trước ngày 31/03, PTI nhấn mạnh việc cam kết thực hiện các chi trả, hỗ trợ theo như điều khoản hợp đồng đã kí.
Ông Nghiêm Xuân Thái - Phó Tổng Giám đốc PTI bày tỏ quan điểm: "Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến từ phía khách hàng liên quan tới hiệu lực, cũng như cơ chế chi trả bảo hiểm Covid-19. Mà một phần không nhỏ là những ý kiến mang tính cảm xúc và thiếu thông tin".
Ông Thái giải thích, sản phẩm Anti Covid - bảo hiểm đối với bệnh Covid-19 do PTI triển khai trước đó không trùng với các dịch vụ y tế Nhà nước vốn miễn phí cho bệnh nhân.
Theo đó, PTI sẽ chi trả cho bệnh nhân trong trường hợp dương tính với Covid-19 gồm 2 khoản. Khoản 1 là hỗ trợ tài chính ngay khi bệnh nhân có kết quả dương tính, mà không cần yêu cầu hóa đơn liên quan tới việc điều trị.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo PTI cho rằng, khoản hỗ trợ này có thể phần nào bù đắp thu nhập bị giảm/mất cho người dân khi mắc bệnh.
Còn với khoản 2, trong trường hợp người dân không may tử vong, PTI sẽ chi trả một khoản tiền để phần nào giảm đi những khó khăn tài chính cho người thân và gia đình khách hàng.
Theo ông Thái, PTI cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm khác hoàn toàn không kinh doanh dựa trên "nỗi sợ hãi" của người khác, bởi bản chất của ngành bảo hiểm đã là kinh doanh sự rủi ro.
Trước đó, không riêng PTI mà rất nhiều các công ty bảo hiểm trong nước đã tung ra các sản phẩm bảo hiểm dịch bệnh Covid-19.
Chị Hồng Vân (Hà Nội) - nhân viên tư vấn bảo hiểm cho biết: "Từ khi bước chân vào ngành bảo hiểm, đây là lần đầu tiên khách hàng tự tìm tới chúng tôi để được kí hợp đồng bảo hiểm. Có thể xem đây là dịp người dân ý thức, cũng như nhận thấy được tầm quan trọng của bảo hiểm tại Việt Nam".
Chị Mai Phương, một đại lý bảo hiểm chia sẻ: "Do dịch Covid-19 nên nhu cầu khách hàng tìm tới bảo hiểm tăng đột biến. Ngoài các gói bảo hiểm tự phòng vệ cho bản thân thì nhu cầu lựa chọn gói bảo hiểm để bảo vệ cho gia đình có xu hướng tăng cao. Nói chung, đây đang là thời điểm bận rộn của các công ty bảo hiểm".
Theo Công ty chứng khoán SSI, ngành bảo hiểm trong mùa dịch được đánh giá chịu ảnh hưởng cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Với nhóm bảo hiểm nhân thọ, thông tin dịch bệnh sẽ có ít tác động trong ngắn hạn và nhiều khả năng hưởng lợi trong dài hạn bởi nhu cầu được bảo hiểm sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh.
"Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ cần các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020, lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm nhóm này", báo cáo nhận định.
Trong khi đó, với các công ty bảo hiểm nói chung, dịch bệnh tại Việt Nam có thể khiến chi phí bồi thường tăng lên ở mức vừa phải. Bởi hầu hết các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. "Việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1 - 2 tháng sau sự cố, do đó, tác động này sẽ chưa thể hiện nhiều trong quý 1 này", SSI cho hay.