Đừng 'bắt cóc bỏ đĩa'

Mới đây, sau khi nhận nhiệm vụ, tân lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đi thị sát hơn 30 'điểm đen' ùn tắc trên địa bàn thành phố. Từ thực tiễn thị sát, tới đây, các bên liên quan 'sẽ xử lý từng điểm ùn tắc'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu chuyện ùn tắc ở Hà Nội vào giờ cao điểm, nhiều năm nay đã là nỗi e sợ của mọi người. Với người ở Hà Nội hàng ngày, có thể “tắc quá đã hóa quen”. Nhưng với người ở bất kỳ tỉnh, thành khác tới, cũng thường đều có chung nhận định “đường phố Hà Nội tắc số 2 thì không ai số 1”.

Thế nhưng nhiều năm nay, cơ quan chức năng đã làm gì để hạn chế tình trạng này? Người và xe thì cứ ngày càng nhiều hơn, trong khi đường sá vẫn vậy. Một trong những “giải pháp” quen thuộc là xén dải phân cách giữa đường. Về lâu dài, cũng chẳng còn dải phân cách nữa mà xén. Trong ngắn hạn, cứ mỗi lần có dự án “xén dải phân cách”, khu vực đó lại càng ùn tắc.

Một chuyên gia nguyên là lãnh đạo Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, trước tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên các tuyến đường, từ 2010 trở lại đây, ngành Giao thông Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để xóa các “điểm đen” ùn tắc. “Tuy nhiên, ngành Giao thông và TP Hà Nội thường chọn giải pháp rẻ nhất để xóa “điểm đen” ùn tắc là xén vỉa hè, điều chỉnh đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông…”, vị này nói.

Vị chuyên gia cho rằng, các biện pháp nêu trên chỉ mang tính tình thế. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng nghiêm trọng hơn. “Nếu cứ loanh quanh với những giải pháp như vậy, xử lý xong “điểm đen” ùn tắc này lại phát sinh thêm điểm ùn tắc mới”, ông nói.

Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành, Hà Nội phải dành nhiều nguồn lực hơn nữa để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, làm các đường vành đai, đường hướng tâm, cùng với đó là quyết tâm di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô.

Cùng với việc dành nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng cần nghiên cứu “bài toán” tổ chức giao thông mang tính tổng thể trong nội thành chứ không nên làm “lắt nhắt” trên một vài tuyến đường như thời gian vừa qua. Có thể lấy ví dụ vừa qua ngành Giao thông Vận tải Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để thí điểm tách làn đường dành riêng cho ô tô, xe máy. Tuy nhiên, đến nay người điều khiển phương tiện vẫn đi lại lộn xộn trên tuyến đường Nguyễn Trãi. Mục tiêu giảm ùn tắc trên tuyến đường này không đạt được như kỳ vọng.

Về kế hoạch “dài hơi”, dự án thu phí phương tiện vào trong nội thành của TP Hà Nội cũng có thể không làm giảm tình trạng ùn tắc. Bởi khi mạng lưới đường sắt đô thị chưa hoàn thiện, xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu thì người dân vẫn chọn phương tiện cá nhân để đi lại, dù có mất thêm tiền đi nữa. Nếu không hoàn thiện sớm các tuyến đường sắt theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai, hướng tâm… thì những giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông tạm thời sẽ chỉ luẩn quẩn như câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dung-bat-coc-bo-dia-post459318.html