Dũng cảm cứu chữa thương binh
'Trong chiến tranh, những người thầy thuốc quân y trên chiến trường luôn phải đối diện với bom, đạn để cứu chữa và bảo đảm an toàn cho thương binh', Đại tá, bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bửu (tên thường gọi Hai Tân), nguyên Phó giám đốc về Chính trị Bệnh viện Quân y 121, Cục Hậu cần Quân khu 9 chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bửu quê ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Năm 1950, ông theo gia đình hoạt động cách mạng ở tỉnh Cà Mau và làm Trung đội trưởng thanh niên cứu quốc của huyện Trần Văn Thời. Khi cách mạng miền Nam chuyển hướng đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, ông được cử đi học lớp quân y sĩ rồi phụ trách Đội phẫu Quân y Tiểu đoàn 309 kiêm Chính trị viên Đại đội Quân y, Trung đoàn 1-U Minh (nay là Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9).
Trong đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn cùng với quân và dân Cần Thơ tiêu diệt hơn 1.500 tên địch, làm bị thương 1.409 tên; phá hủy và bắn rơi 100 máy bay các loại, 8 khẩu pháo, phá nhiều kho tàng và phương tiện chiến tranh của địch. Trong đợt 2 và đợt 3, Trung đoàn tiếp tục tham gia chiến đấu và đã giành những thắng lợi quan trọng trên các hướng Cái Tắc, Tầm Vu, Long Tuyền, Bình Thủy, Phi Trường 31...
“Ở đợt 1, lực lượng của ta bị thương nhiều, tôi cùng đơn vị vượt qua nhiều kênh rạch, đồn, bốt giặc suốt hai ngày đêm đưa thương binh ra đến ven lộ Vòng Cung thì trời sáng. Vừa lúc đó, địch càn vào, tôi cất giấu thương binh, còn lại một đồng chí bị chấn thương sọ não chưa kịp đưa đi thì địch đến; tôi đưa xuống công sự ngụy trang kín đáo, rồi sát cánh cùng đơn vị chiến đấu suốt một ngày với địch, tiêu diệt nhiều tên, bảo vệ an toàn cho thương binh. Đơn vị rút khỏi trận địa, tôi quay lại tìm và cõng thương binh ra ngoài, sau hai ngày mới tìm về được đơn vị an toàn”, ông Bửu nhớ lại.
“Vòng Cung đi dễ khó về, đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”-lộ Vòng Cung là chiến trường lửa giữa ta và địch trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Trong mỗi lần Trung đoàn tác chiến đánh địch là ông Bửu cùng đội ngũ quân y lại phải luồn dưới lửa đạn vận chuyển thương binh từ chiến tuyến về hậu cứ ở Cà Mau điều trị.
Ông Bửu nhớ lại: “Có lần, tôi chỉ huy 9 chiếc xuồng chở thương binh, xuồng đi đầu dẫn đường bị địch phát hiện, chúng bắn dữ dội làm một đồng chí hy sinh. Sau đó, địch gọi pháo từ huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) bắn vào đội hình làm tôi bị thương mất hai ngón tay. Đội hình lùi lại, tôi tự băng bó vết thương, chăm sóc thương binh, bơi ra vớt xác đồng đội đưa về nơi trú quân cách đó 3km. Sau khi tính toán kỹ, quyết tâm cứu chữa thương binh, chúng tôi đổi hướng hành quân, cùng anh em kéo xuồng hơn 1km trên ruộng sình để tránh đồn địch”.
Trong suốt thời gian chiến đấu ở lộ Vòng Cung, ông Bửu và Đội phẫu Quân y Tiểu đoàn 309 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được Bộ tư lệnh Miền tặng Cờ “Quên mình phục vụ thương binh”, “Đơn vị Thành Đồng quyết thắng”. Ngày 15-2-1970, ông Nguyễn Văn Bửu được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng.
Bài và ảnh: HỮU TÀI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/dung-cam-cuu-chua-thuong-binh-738738