Dừng cấp phép dạy thêm: Giáo viên lẫn phụ huynh lo lắng
Nhiều giáo viên và phụ huynh đang băn khoăn khi mới đây Sở GD-ĐT ra thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép, gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học.
Một câu hỏi đang được đặt ra là, trong thời gian tới nếu giấy phép cũ hết hạn thì giáo viên liệu có phải tạm dừng tổ chức dạy thêm, học thêm hay không?
* Tạm dừng cấp phép dạy thêm
Ngày 26-8, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 -5-2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Với quyết định này thì không chỉ tại Đồng Nai mà trên cả nước đều phải tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp phép và gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học cho đến khi có hướng dẫn mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Sớm ban hành quy định mới về cấp phép dạy thêm
Thời gian tới, khi Bộ GD-ĐT có quy định mới về tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học, Sở GD-ĐT sẽ nhanh chóng ban hành hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở đăng ký để tiện cho công tác quản lý và theo dõi, đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh và phụ huynh.
Cô Trần Kim D., giáo viên một trường THCS tại phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) được Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cấp phép tổ chức dạy thêm ngoài trường học, bày tỏ lo lắng: “Giấy phép dạy thêm của tôi sẽ hết hạn vào tháng 11 sắp tới, do đó tôi đang băn khoăn nếu giấy phép hết hạn thì có được tiếp tục dạy thêm hay không? Những ngày qua, một số phụ huynh có con học thêm tại nhà tôi cũng lo lắng gọi điện hỏi thăm về thời gian giấy phép dạy thêm mà tôi được cấp để có hướng tìm chỗ học thêm mới cho con của họ”.
Trong văn bản ban hành ngày 4-10 vừa qua về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp phép, gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm, Sở GD-ĐT chỉ đạo: các phòng GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục trực thuộc, các trường THPT công lập quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức trong nhà trường thực hiện theo Quyết định số 2499 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 26-8-2019 về tạm thời dừng tiếp nhận hồ sơ xin dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Đối với những đơn vị, cơ sở đã được cấp phép nếu còn thời hạn vẫn được hoạt động bình thường cho đến hết thời hạn ghi trên giấy phép.
* Hết hạn giấy phép có được dạy thêm?
Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Bùi Văn Phượng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện không có trường tiểu học và THCS nào tổ chức dạy thêm, tuy nhiên giáo viên đăng ký dạy thêm ở ngoài trường học rất nhiều. Sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định về việc tạm dừng cấp phép dạy thêm, học thêm, phòng khá lúng túng không biết sẽ phải quản lý công tác dạy thêm, học thêm trong thời gian tới ra sao, trong khi đây lại là nhu cầu thực tế của phụ huynh muốn cho con học thêm ở nhà thầy cô giáo để ôn tập và bổ sung kiến thức.
Theo quy định về việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm, việc cấp phép đối với bậc tiểu học và THCS sẽ do phòng GD-ĐT tiến hành, trong khi đó bậc THPT lại do Sở GD-ĐT thực hiện. Còn thống kê của Sở
GD-ĐT cho biết, toàn tỉnh hiện có 54 trường THCS tổ chức dạy thêm với 896 giáo viên tham gia, trong khi đó, bậc THPT có 26 trường với 733 giáo viên tham gia. Ngoài ra, còn có 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở có tổ chức dạy thêm với 44 giáo viên tham gia.
Đồng Nai hiện có 156 cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường do các phòng GD-ĐT cấp phép và 62 cơ sở do Sở GD-ĐT cấp phép. Chỉ tính riêng tại TP.Biên Hòa đã có trên 70 cơ sở.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, nếu theo quy định của Bộ GD-ĐT về việc dừng cấp phép dạy thêm, học thêm, thì các cơ sở hết hạn ghi trên giấy phép sẽ đồng nghĩa với việc phải tạm dừng tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, đây là nhu cầu thực tế của phụ huynh, hơn nữa thời gian qua việc tổ chức dạy thêm, học thêm được đảm bảo khá tốt về các điều kiện cơ sở vật chất, do đó Sở GD-ĐT sẽ linh động dựa trên nhu cầu thực tế này. Các cơ sở có thể tiếp tục dạy thêm, học thêm song phải đảm bảo trên tinh thần thỏa thuận tự nguyện với phụ huynh, không được ép hoặc áp đặt học sinh phải học thêm, hay có bất cứ hình thức nào vi phạm đạo đức nhà giáo.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, để hoạt động dạy thêm học thêm được kiểm soát chặt chẽ, ban giám hiệu các trường, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo không để hoạt động dạy thêm, học thêm bị lạm dụng, gây ra những hệ lụy cho ngành Giáo dục, uy tín của nhà trường, nhất là quyền lợi của học sinh khi tham gia học thêm trong và ngoài trường học. Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các phòng, ban chuyên môn của Sở tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Nếu cơ sở hay giáo viên nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và cương quyết đình chỉ việc dạy thêm, học thêm.