Dùng cát biển đắp nền đường cao tốc được không?
Thực hiện các dự án cấp bách xây dựng đường cao tốc Bắc- Nam, nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh ĐBSCL gặp khó nguồn vật liệu đắp nền đường. Trong khi với bờ biển dài hơn 3000 km, dày đặc luồng cửa biển, cửa sông trữ lượng cát biển khổng lồ có thể khai thác làm vật liệu đắp nền thay thế.
Bài 1: NHIỀU DỰ ÁN CAO TỐC " ĐÓI" VẬT LIỆU ĐẮP NỀN ĐƯỜNG
Khó khăn về vật liệu đất đắp, cát đắp từng là "rào cản" khiến các tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ chậm tiến độ. Bộ GTVT và các ban QLDA cùng các nhà thầu đều "mướt mồ hôi" tìm kiếm các giải pháp để giải "bài toán" vật liệu đắp nền đường.
Cấp phép mỏ vật liệu, đụng đâu cũng vướng thủ tục địa phương
Nói đến các vướng mắc trong thủ tục cấp phép mỏ vật liệu khiến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ không thể không nhắc đến dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Ông Đinh Công Minh - Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, nhu cầu vật liệu của dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng 9,2 triệu m3, trong đó đá xay tận dụng khoảng 1,7 triệu m3. Hiện tại, 11 mỏ đã cấp phép có thể cung cấp vật liệu cho dự án với trữ lượng khoảng 4,45 triệu m3, tương ứng khoảng 5,04 triệu m3 rời. Như vậy, nhu cầu vật liệu của dự án còn lại khoảng 2,46 triệu m3 cần được cấp phép bổ sung áp dụng theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ.
Từ đầu năm 2022, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tháo gỡ cơ chế về cấp mỏ vật liệu bởi thực tế tại các mỏ đã được cấp phép đều không đủ cung cấp cho dự án. Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tính đến cuối tháng 4/2022 có 16/16 mỏ đã cấp phép, đáp ứng 7,2/7,5 triệu m3 nhu cầu. Tuy nhiên, 1 mỏ đã được cấp phép (trữ lượng 0,8 /7,2 triệu m3) hiện chưa thể khai thác do phải hoàn thiện các thủ tục về đất đai, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án. Như vậy, việc hoàn thành thủ tục cấp phép mỏ vật liệu chỉ cách điểm đích của dự án 8 tháng.
Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nhiều đơn vị cũng "điêu đứng" vì nguồn vật liệu đất đắp, điển hình như gói thầu xây lắp số 3 có chiều dài hơn 35 km là một trong hai gói thầu xây lắp thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thi công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tháng 10/2020, liên danh nhà thầu Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính (liên danh Vinaconex - Trung Chính) - đơn vị trúng thầu gói thầu số 3 đã chính thức triển khai nhân công, máy móc thi công công trình. Đến nay, các hạng mục của gói thầu đã được liên danh nhà thầu triển khai thi công để đảm bảo tiến độ theo đúng cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đất để phục vụ đắp nền đường. Theo tính toán, gói thầu số 3 cần khoảng 3,4 triệu m3 đất san lấp, tuy nhiên nhà thầu chỉ tìm được khoảng 1,2 triệu m3 đất san lấp được tận dụng trong quá trình bóc tách khi thi công tuyến. Đối với hơn 2 triệu m3 đất san lấp còn lại, nhà thầu vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung ứng. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn đất san lấp còn lại, nguy cơ việc thi công của gói thầu này sẽ làm ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công toàn dự án.
Đại diện liên danh gói thầu số 3 cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công hiện nay là thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường. Theo hồ sơ kỹ thuật, nguồn đất san lấp phục vụ thi công gói thầu số 3 được lấy từ 4 mỏ đất trên địa bàn hai huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Tuy nhiên sau đó, các mỏ này vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác. "Nhà thầu phải mua đá sản xuất bê tông nhựa ở mỏ Núi Sò, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách công trường khoảng 80 km. Đồng thời, đơn vị cũng đi mua đất đắp trên thị trường để thi công một số đoạn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì khối lượng đất rất hạn chế, cự ly vận chuyển lại xa nên sẽ không đảm bảo phương án tài chính ban đầu.
Ông Nguyễn Hữu Tới - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex - một trong những nhà thầu thi công tại hai dự án này cũng khẳng định việc chậm cấp mỏ vật liệu khiến các nhà thầu liên tục vi phạm tiến độ hợp đồng. Ngoài việc giá vật liệu làm cao tốc đã tăng mạnh thì các địa phương công bố chỉ số giá vật liệu còn chưa kịp thời và không phù hợp.
Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, giá đất là 158.000 đồng/m3, còn giá công bố là 105.000 đồng/m3. Có thực tế là, đối với vật liệu sử dụng thi công cao tốc như cát vàng, đất đắp nền đường, cốt liệu đá đòi hỏi chỉ tiêu kỹ thuật riêng nhưng lại không được địa phương nêu tên cụ thể, khiến nhà thầu bị thiệt hại khi tính giá. Tại các cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT, ông Tới cũng chia sẻ nhà thầu luôn cố gắng tháo gỡ khó khăn chung của Ngành trong giai đoạn này như bão giá vật liệu, thiếu hụt nhân công, khó khăn tài chính, bởi các nhà thầu đang dồn mọi nguồn lực thi công để đảm bảo tiến độ chung của dự án. Có thể nói, những khó khăn về thủ tục cấp phép mỏ vật liệu là "vật cản" khiến nhiều nhà thầu khó bề xoay xở.
Nhà thầu bị động nguồn cung vật liệu cát đắp
Không chỉ riêng hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây gặp khó về vật liệu cát đắp mà cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt tương tự. Theo ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án này cần khoảng 2 triệu m3 cát. Thời gian trước, nhiều nhà thầu không chủ động được nguồn cát dẫn đến việc thi công chậm trễ. Trước tình hình đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chủ động làm việc với các tỉnh An Giang và Đồng Tháp để hỗ trợ nguồn cát cho các nhà thầu thi công.
Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - đơn vị thi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho biết, hiện nay đơn vị phải mua cát, vận chuyển tới công trình dao động từ 170.000 - 180.000 đồng/khối, tăng hơn 30.000 đồng so với trước khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, có những thời điểm đơn vị có tiền cũng không thể mua đủ số lượng cát để thi công, dẫn tới việc công nhân và máy móc phải chờ cát, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án.
Cũng theo Ban QLDA Mỹ Thuận, mặc dù UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã thống nhất khối lượng cát hỗ trợ nhưng công tác lấy cát vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu do công suất mỏ bị giới hạn, trong khi đây là khu vực cần nhiều thời gian đắp gia tải, xử lý nền đất yếu. Thực tế, sản lượng thi công của dự án tính đến ngày 30/9 đạt 1.301,92/2.668 tỷ đồng, tương đương 48,8% giá trị các hợp đồng, chậm 1,37% so với tiến độ lập thời điểm tháng 8/2022.
Trước thực trạng tiến độ của các dự án này bị chậm vì ảnh hưởng một phần do thiếu vật liệu đất đắp, cát đắp, Bộ GTVT đã thường xuyên làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai để đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ vật liệu. Đối với dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT cũng đã làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp để tháo gỡ khó khăn. Theo đó, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị các địa phương đẩy nhanh việc công bố các chỉ số giá, đồng thời hỗ trợ nguồn cát để các nhà thầu chuẩn bị đủ vật liệu để thi công.
Đến nay, khi các khó khăn dần được tháo gỡ, nhiều nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực để thi công, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án về đích đúng hẹn.