Xương sườn là nguyên liệu được nhiều người ưa thích vì phần thịt mềm ngọt, hấp dẫn. Tuy nhiên, nấu canh hầm xương đạt chuẩn không phải ai cũng rành.
Để món hầm xương ngọt nước, không tanh, khâu chần xương vô cùng quan trọng. Nếu chỉ đơn thuần đặt nồi lên bếp đợi nước sôi rồi vớt ra mang đi hầm thì nước dùng rất dễ đục, khô và hôi.
Muốn hầm xương ít bọt không tanh, bạn nên ngâm sườn trong nước sạch khoảng 2 giờ. Quá trình ngâm, cần thay nước nhiều lần để máu thừa được loại bỏ bớt. Lý do bởi bản thân xương sườn có rất nhiều máu – đây được xem là nguyên nhân gây mùi.
Đặc biệt, khâu chần sườn rất nhiều người mắc lỗi. Việc chần sườn bằng nước sôi sẽ khiến sườn nóng lên không đều. Nhiệt độ cao của nước nhanh chóng làm khô lớp thịt bên ngoài nhưng bên trong vẫn lạnh.
Như vậy máu thừa tồn đọng sẽ gây hôi, các tạp chất trong thịt cũng không thể thải ra ngoài. Việc gặp nóng đột ngột cũng phá hủy cấu trúc dinh dưỡng của sườn, làm thịt dai và khô.
Nhất định phải dùng nước lạnh để chần. Nước lạnh giúp xương và nước nóng lên cùng lúc. Nhiệt độ thịt bên trong và bên ngoài đều nhau, mùi vị không thay đổi mà máu thừa bên trong cũng được thải ra.
Tiếp đó, cho vài lát gừng và chút rượu nấu ăn vào đun sôi. Không dùng lửa lớn để chần nếu không sẽ làm thịt dính và dậy mùi tanh.
Xong công đoạn chần, đun nóng dầu hạt cải rồi cho gừng hoặc hoa hồi vào phi dậy mùi thơm. Đợi sườn có cạnh ngả vàng thì chế nước ấm ngập tối thiểu 3cm.
Vặn lửa lớn cho đến khi sôi thì điều chỉnh nhỏ lửa. Nhiệt độ hầm canh vô cùng quan trọng bởi nó quyết định độ trong, mềm và đậm đà của nước dùng.
Chú ý, không nên đậy vung, đun nhỏ lửa chừng nửa tiếng, chị em mới bắt đầu nêm muối, cho ngô vào hầm cùng.
Không nên cho muối vào ngay từ đầu bởi chúng sẽ khiến sườn bị co rút lại, dễ bị cháy khét.
Tiếp tục hầm nhỏ lửa chừng 40 phút là có thể tắt bếp. Sau khi bắc nồi, cho thêm chút bột ngọt, hành lá thái nhỏ lên trên là có thể thưởng thức. Ảnh: Sohu, internet.
Mời độc giả theo dõi video: Nghệ thuật trang trí tạo hình món ăn. Nguồn: VTV4.
Định Tâm (Theo Sohu, Th)