Đừng chỉ 'cấp', không 'quản'
Thay vì trông chờ các đợt tổng kiểm tra các cơ quan quản lý cần thường xuyên rà soát đối với các doanh nghiệp vận tải theo hợp đồng, nhất là với những doanh nghiệp thường xuyên vi phạm hoặc khai thác lộ trình cố định, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải vi phạm để nêu gương.
Từ đầu năm đến nay, tính cả đợt tổng kiểm tra lần này, chỉ riêng việc kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp vận tải hành khách nói chung đã bị tiến hành kiểm tra tới 2-3 lần.
Đó là chưa kể các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng trên đường, tập trung vào các chuyên đề cụ thể, chẳng hạn về nồng độ cồn, ma túy… và các đợt kiểm tra của các lực lượng chuyên ngành khác như: thuế, phòng cháy chữa cháy, môi trường…
Mật độ kiểm tra dày đặc là vậy, song vì sao vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra, nhất là với xe hợp đồng?
Trước hết, xe hợp đồng không phải chịu nhiều quy định khắt khe như xe tuyến cố định. Chẳng vậy mà dư luận ví xe hợp đồng là loại hình vận tải “ba không”: không nộp thuế giá trị gia tăng; không mất lệ phí bến bãi; không mua bảo hiểm cho hành khách.
Rõ ràng, so với xe tuyến cố định, xe hợp đồng có quá nhiều lợi thế, trong khi cùng khai thác như tuyến cố định, tạo ra sự cạnh tranh phi pháp, gây nên tình trạng “xe dù, bến cóc” xuất hiện ngày càng nhiều.
Thứ hai, mặc dù chạy như tuyến cố định, nhưng đến thời điểm này, dường như cơ quan quản lý chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Trước đây, Nghị định 86/2014 quy định mỗi xe, mỗi tháng không được thực hiện quá 70% tổng số chuyến có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Đến Nghị định 10/2020, tỷ lệ này đã hạ xuống, còn 30% tỷ lệ chuyến trùng lặp và dự kiến tới đây Bộ GTVT đề xuất hạ tiếp xuống còn 10% tỷ lệ chuyến trùng lặp.
Tuy vậy, tỷ lệ chuyến xe trùng lặp dễ dàng bị nhà xe lách luật bằng việc lập các văn phòng du lịch, trụ sở chuyển phát nhanh chỉ cách nhau vài số nhà.
Đặc biệt, xe hợp đồng còn dễ dàng len lỏi vào khắp các tuyến phố để đón khách – điều mà các doanh nghiệp tuyến cố định không bao giờ dám thực hiện.
Những điều này khiến xe hợp đồng ngày càng nở rộ. Thống kê của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho thấy, hiện cả nước chỉ có hơn 17.000 xe tuyến cố định, nhưng có tới 237.000 xe hợp đồng. Việc nở rộ xe hợp đồng, trong khi không có biện pháp quản lý hiệu quả, ngày càng đe dọa nguy cơ mất ATGT và ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Đã đến lúc cơ quan chức năng phải nâng cao hiêu quả công tác quản lý, đã cấp phù hiệu xe hợp đồng thì phải có biện pháp quản lý hữu hiệu đối với loại hình này. Các cơ quan ban ngành cần vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý các nhà xe cố tình vận chuyển hành khách không đúng nội dung hợp đồng; đồng thời xử lý nghiêm các nhà xe đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm ổn định; niêm yết thông tin về luồng tuyến vận tải như xe khách tuyến cố định…
Khi việc giám sát doanh nghiệp được thực hiện ngay từ đầu, thậm chí từ khi được cấp phù hiệu và được xử lý một cách nghiêm minh, chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe để đơn vị khác không thể “nhờn luật”.
Điều đó có tác dụng hơn rất nhiều những đợt tổng kiểm tra rồi để đấy, hoặc chỉ “cấp” hàng trăm nghìn phù hiệu mà không “quản”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dung-chi-cap-khong-quan-post1059982.vov