Đừng chỉ đổ lỗi cho vé máy bay cao làm du lịch Phú Quốc sụt giảm

Được mệnh danh là Maldives của Việt Nam, nhưng chưa năm nào, du lịch Phú Quốc lại sụt giảm như năm nay.

Đang từ rất chất, Phú Quốc bỗng “tầm thường hóa mình đi”

Chuyên gia du lịch Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO LuxGroup đã phải cảm thán như vậy khi chứng kiến tình hình của ngành du lịch Phú Quốc trong năm nay.

Các số liệu thống kê chỉ ra sau khi chứng kiến một năm 2022 bùng nổ, tình hình du lịch Phú Quốc trong năm 2023 không mấy khả quan, đặc biệt các dịp lễ lớn đều ghi nhận lượng khách thấp hơn cùng kỳ. Dịp lễ 30/4-1/5, Phú Quốc đạt khoảng 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ, còn doanh thu giảm 24,3%. Sang dịp lễ 2/9, lượng khách tiếp tục giảm 40% so với cùng kỳ, công suất phòng đạt khoảng 27%.

Ông Phạm Hà cho biết, các tour dài ngày mà LuxGroup triển khai cho khách hàng thường kết thúc ở phía Nam nắng ấm, nơi có những khu nghỉ dưỡng biển lý tưởng như Phú Quốc, Vũng Tàu, Mũi Né, Côn Đảo, Nha Trang... Trước đây, Phú Quốc là lựa chọn yêu thích của nhóm khách châu Âu, bởi ở đó có mọi thứ, từ từ bãi biển đến rừng nguyên sinh, sân golf, đồ ăn ngon…

Nhưng nay, nhiều vị khách của LuxGroup, sau khi đến Phú Quốc đã phải thất vọng vì thực trạng xây dựng ngổn ngang, lòe loẹt màu sắc, bê tông đang làn tràn khắp đảo ngọc. Họ phản hồi rằng muốn tìm các điểm đến thay thế như Hồ Tràm, Côn Đảo hay các địa điểm trong đất liền, đảm bảo yếu tố sạch sẽ, yên tĩnh… để nghỉ ngơi trước khi về nước.

“Đang từ rất chất, Phú Quốc bỗng tầm thường hóa mình đi”, vị chuyên gia đánh giá.

Trong quan điểm của ông Phạm Hà, vé máy bay tăng cao chỉ là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách hàng. Với Phú Quốc, thực trạng hôm nay là vấn đề nhãn tiền, xuất phát từ kế hoạch phát triển du lịch thiếu tầm nhìn.

Từ vị trí một hòn đảo trung tâm châu Á, thậm chí là đẳng cấp thế giới, phù hợp để hướng đến thu hút nhóm khách quốc tế sang trọng theo kiểu “ít mà chất”, Phú Quốc đã xây dựng tràn lan để nhắm tới lượng khách Việt Nam đại trà. Trong khi với nhóm khách hàng cao cấp, họ thích những trải nghiệm thiên nhiên, giàu tính bản địa.

“Với chúng ta có thể không có gì thì với họ lại có gì. Ta ra bãi biển không có gì nhưng họ lại đến vì sự không có gì của nó. Một bãi biển hoang sơ là nơi tuyệt vời để ngắm hoàng hôn đẹp, trải nghiệm hệ sinh thái dưới biển. Họ thích sự riêng tư, hoang sơ của điểm đến, sự hài hòa giữa văn hóa con người với thiên nhiên, ẩm thực”.

“Tình trạng Phú Quốc cũng tương tự như Sapa hay Nha Trang, khách chi tiêu cao từ châu Âu từng rất thích đến, cho tới khi khách nhiều nhóm khách khác xuất hiện quá nhiều, thì nhóm khách cao cấp này không muốn đến nữa. Để mang tính quốc tế, quản lý điểm đến cần bền vững, không cần quá nhiều khách”, đại diện LuxGroup đánh giá.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LuxGroup.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LuxGroup.

Phát triển du lịch bền vững: Muộn còn hơn không

Trong câu chuyện của Phú Quốc, bài toán căn cơ để thu hút, giữ chân khách du lịch phải đi từ định vị điểm đến và sau đó là các giải pháp triển khai đồng bộ, chứ không đơn giản chỉ giảm giá vé máy bay, nhà hàng, khách sạn...

Trước hết, về mặt định vị, ông Phạm Hà cho rằng cần coi Phú Quốc là đảo ngọc để phát triển bền vững, có thể trở thành trung tâm du lịch lớn nhất Đông Nam Á, vượt cả Phuket và Bali. Với định vị này, chính quyền Phú Quốc nên xem du lịch là cột trụ chính để phát triển kinh tế địa phương, lấy khách hàng làm trung tâm trong các hoạt động, tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, khiến họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Để triển khai định vị này, Phú Quốc cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan, từ chính quyền, đến hàng không, lữ hành, khách sạn… Sự phối hợp ăn ý sẽ giúp tránh được tình tình trạng doanh nghiệp lữ hành muốn đưa khách tới, nhưng giá vé máy bay tăng giá gấp 2-3 lần một cách phi lý. Hoặc dù khách chấp nhận giá vé cao, nhưng đến nơi lại thất vọng vì chất lượng dịch vụ tệ, cảnh quan thiên nhiên phá vỡ, con người thiếu thân thiện và dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, không xứng đáng với chi phí họ đã bỏ ra.

Chuyên gia Phạm Hà gợi ý Phú Quốc có thể học hỏi mô hình phát triển của Phuket hay Bali. Ngành du lịch của hai hòn đảo này từng có thời gian tăng tưởng nóng, dẫn tới sự quá tải trong hạ tầng và dịch vụ, vấn đề ô nhiễm rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, khách du lịch sang trọng bỏ đi,…

Tuy nhiên, về sau họ đã thay đổi định vị, coi du lịch là nguồn sống chính của cư dân trên đảo. Bali cũng như Phuket, vẫn đón cả khách du lịch sang trọng lẫn khách đại trà, nhưng họ xây dựng quy hoạch cụ thể để hình thành từng phân khu riêng: Cần sôi động có sôi động, cần riêng tư có riêng tư. Họ có những câu lạc bộ du thuyền, những sân golf rất đẹp và rộng, những khu mua sắm trung tâm, khu vui chơi giải trí thâu đêm. Họ có chỗ để cho khách “đốt tiền” nhưng khi cần sự riêng tư khách có thể đến những khu nghỉ dưỡng trong rừng, nơi vẫn giữ được sự nguyên sơ của phong cảnh.

Trong quan điểm của ông Hà, đón khách cao cấp hay đại trà là lựa chọn của Phú Quốc. Nhưng nếu muốn đón cả 2 thì Phú Quốc có thể học theo cách phân khu của Phuket và Bali, trong đó khu Đông đảo để phát triển sản phẩm du lịch đại trà; còn Bắc đảo, Nam đảo và khu ven rừng nên hướng đến khách du lịch cao cấp.

Đặc biệt, muốn hướng đến nhóm khách hàng chi tiêu cao, Phú Quốc cần thêm nhiều dịch vụ, trải nghiệm hạng sang như du thuyền ngắm hoàng hôn, ăn tối ngủ đêm trên biển…Ông Phạm Hà đề xuất Phú Quốc có các chính sách khuyến khích phát triển tour du lịch du thuyền khu vực Nam đảo, điểm đến có tiềm năng trở thành nơi đón hoàng hôn và bình minh đẹp nhất thế giới.

Hiện khu vực này chủ yếu do tàu thuyền đánh cá hoạt động, trong khi nhiều đơn vị lữ hành đang có nguyện vọng phát triển du lịch cao cấp, triển khai tour nghỉ dưỡng 3-7 ngày tại Phú Quốc, kết hợp giữa các hoạt động trên bờ và ngắm hoàng hôn, ngủ đêm ở khu Nam đảo.

“Hy vọng muộn còn hơn không, du lịch Phú Quốc sẽ thức tỉnh để có thể phát huy được tiềm năng của hòn đảo lớn nhất Việt Nam, một thiên đường du lịch”, đại diện LuxGroup kết luận.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dung-chi-do-loi-cho-ve-may-bay-cao-lam-du-lich-phu-quoc-sut-giam-d203096.html