Dùng 'chiêu độc' dẫn dụ cá, ngư dân Bình Định trúng lớn
Ngư dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng thả chà ở ngư trường Trường Sa dẫn dụ cá mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Cuối tháng 12/2023, tàu cá BĐ-97678TS, công suất 800CV của ngư dân Bùi Thanh Ninh (67 tuổi, trú thôn Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) xuất bến ra khơi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Đầu năm 2024, chuyến tàu này cập bến Cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn trong sự hò vui, phấn khởi của ngư dân vì trúng đậm mẻ cá ngừ sọc dưa.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh phấn khởi: “Mùa này rất khó đánh bắt, nhưng chuyến tàu này của tôi vẫn mang về được gần 20 tấn cá ngừ sọc dưa và nhiều loại cá khác. Với sản lượng như thế sẽ thu được khoảng 400-500 triệu đồng cho anh em”.
Ông Ninh cho biết, để có được kết quả như vậy, ông Ninh đã bỏ ra khoảng tiền cả tỷ đồng để đầu tư những cây chà dẫn dụ cá ngừ sọc dưa ở Trường Sa.
Theo ông Ninh, cá ngừ sọc dưa di chuyển theo dòng nước để đến nhiều vùng biển khác nhau. Loài cá này, thường tập trung núp dưới bóng của các gò, rạn, vật trôi nổi trên biển để trú ngụ giữa các chặng đường.
Lợi dụng tập tính của cá ngừ sọc dưa, ngư dân đã nghĩ ra cách thả chà tạo thành một vùng rạn nhân tạo dẫn dụ cá.
Để làm được cây chà này, ngư dân phải dùng một cây neo khoảng 6-7 tạ cột vào dây thừng chiều dài khoảng 5.000m thả xuống biển. Ở trên dây neo này được cột vào các bụi cây còn nguyên lá hay lá dừa bện thành bó gắn phao quấn quanh những thân cây tre dài để tạo thành bóng mát.
Ông Ninh kể, trên cây chà được gắn định vị để theo dõi và gắn đèn chiếu sáng sử dụng điện năng lượng mặt trời dể dụ cá.
Thoạt nghe việc thả chà rất đơn giản, nhưng để cách đánh bắt này hiệu quả, ngư dân phải dùng máy dò cá tìm được “lộ trình” của loài cá, thả đúng vị trí thì mới dẫn dụ được.
“Quan trọng là ngư dân có dám làm hay không. Vì chi phí để làm được một cây chà là khoảng 200 triệu đồng. Nếu làm trúng thì được nhưng không trúng thì phải bỏ luôn cây chà”, ông Ninh cho hay.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Bùi Thanh Ninh đã thăm dò và đầu tư lắp đặt 5 cây chà ở vùng biển này. Với đội tàu 6 chiếc, ông Ninh chia làm 2 tổ để canh và đánh bắt ở những cây chà này.
Ông Ninh cho biết, những cây chà này thường xuyên có ngư dân túc trực để theo dõi. Khi phát hiện có đàn cá trú ngụ thì lập tức báo về để các tàu tiến hành tới vây bắt. Mỗi cây chà có thể vây bắt từ 10-50 tấn cá.
“Khi đánh bắt bằng chà, ngư dân có thể đánh bắt cá chủ động. Chỉ cần có một tàu canh chà, khi có cá thì các tàu được điều đến vây bắt, vừa có thể tiết kiệm được thời gian đi đánh bắt vừa tiết kiệm được phí tổn. Ngoài ra, cá sau khi đánh bắt sẽ được đưa vào bờ ngay nên sẽ đảm bảo độ tươi ngon, chất lượng”, ông Ninh chia sẻ.
Ngư dân Trần Ngọc Hoan (trú phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn) cũng là một trong những người tiên phong đưa chà từ bờ ra biển đông để đánh bắt cá từ năm 2020. Hiện, ông Hoan sở hữu 20 cây chà được đặt gần đảo An Bang và đá Ba Kè (thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Ông Hoan cho biết: “Thả chà giúp thu hút được nhiều cá, có những chuyến biển trúng đậm giúp cho mỗi thuyền viên của ông thu nhập đến 20 triệu đồng trên một chuyến biển”.
Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay có hơn 2.100 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, 172 tàu có chiều dài dưới 15m hoạt động vùng lộng. Trong đó, có 36 tổ hoạt khai thác hải sản bằng chà dẫn dụ cá với 402 chà. Nghề làm chà đánh bắt hải sản chủ yếu tập trung ở phường Hoài Thanh và Tam Quan Bắc.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết, việc đánh bắt hải sản bằng chà giúp ngư dân đạt sản lượng cao trong đánh bắt.
Thả "chà" là dùng cây, lá… kết thành mảng buộc phao, cột dây neo thả xuống biển, tạo thành bóng mát để dụ cá. Những loài cá thường trú nụ dưới cây chà là cá ngừ sọc dưa, cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má... Khi có cá xuất hiện, ngư dân sẽ dùng lưới vây quanh cây chà để đánh bắt cá.