Đừng chủ quan trước thiên tai

Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước. Hiện nay, các địa phương, lực lượng chức năng và người dân đang tập trung khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử này cho thấy, không ít người vẫn còn chủ quan, thiếu cảnh giác trước thiên tai.

Nhiều xe ô tô do không được di chuyển đến nơi an toàn đã bị ngập nước.

Nhiều xe ô tô do không được di chuyển đến nơi an toàn đã bị ngập nước.

Trận lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã tạo đỉnh lũ mới đối với Thái Nguyên trong hàng chục năm trở lại đây. Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, ngày 9-9, tại Trạm Thủy văn Gia Bẩy mực nước lũ trên sông Cầu đã cao hơn 150cm so với báo động cấp 3, cao hơn 36cm so với cơn lũ lịch sử năm 1959.

Trước khi có bão, công tác dự báo, cảnh báo và thông tin về diễn biến của cơn bão, hoàn lưu sau bão cũng như khả năng ảnh hưởng đã được các cấp, ngành chức năng sớm đưa ra và phổ biến rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông. Vậy nhưng, qua thiên tai, hoạn nạn và thực tế công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ trong những ngày qua đã cho thấy sự chủ quan, lơ là của không ít người, ngay cả đối với bà con nằm ở vùng trũng thấp, thậm chí là vùng “rốn” lũ.

Đơn cử như tại tổ dân phố Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên). Ngay khi mực nước sông Cầu có chiều hướng lên nhanh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cảnh báo, cử lực lượng đến các khu dân cư, từng nhà dân để tuyên truyền, vận động bà con nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn. Khi nước dâng cao, gây ngập lụt, bà con không thể tự di chuyển, lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng thuyền, ca nô đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Thế nhưng, bên cạnh những hộ chấp hành tốt thì còn có những người tỏ ra "bình thản" trước nguy hiểm, có người không hợp tác. Một số người trốn trong nhà, không phản ứng trước lời kêu gọi, vận động của lực lượng chức năng, thậm chí có người đã chấp hành di dời đến nơi an toàn nhưng sau đó lại tìm cách quay về nhà cố bám trụ. Đến khi nhà bị ngập sâu, nước chảy siết, mối nguy cận kề, họ mới kêu cứu. Lúc này, lực lượng chức năng mỏng, thiếu phương tiện lại thêm nước chảy siết, địa hình phức tạp, trời tối khiến công tác cứu hộ trở nên rất khó khăn, nguy hiểm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị mắc kẹt trong lũ.

Lực lượng chức năng lội nước hỗ trợ người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Lực lượng chức năng lội nước hỗ trợ người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Tương tự, có rất nhiều trường hợp không lường được mức độ ngập lụt nên khi mực nước dâng cao đã không kịp di dời tài sản đến nơi an toàn. Một trong những hình ảnh xót xa, tiếc nuối là hàng trăm chiếc xe ô tô bị ngập nước. Trong số đó có rất nhiều xe gặp nạn là do sự chủ quan, xem nhẹ sức ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Trái lại với những trường hợp trên, nhiều gia đình cẩn trọng, biết lo xa đã chủ động ứng phó trước mọi diễn biến của bão lụt. Những gia đình này đã sớm chuẩn bị các phương án và di dời tài sản, gia cố nhà cửa khi biết tin siêu bão số 3 vào đất liền.

Khi xuất hiện mưa lũ, nghe thông tin tuyên truyền, cảnh báo của chính quyền, nhiều gia đình chủ động nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn, nên gần như không có thiệt hại đáng kể về tài sản. Bên cạnh đó, những gia đình này cũng chủ động tích trữ nhu yếu phẩm để có thể dùng nhiều ngày trong trường hợp bị cô lập, mất điện, mất nước hoặc không có người đến cứu hộ…

Cơn bão số 3 đã đi qua, các cấp chính quyền, người dân và lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả bão lụt. Tuy nhiên, những gì mà nó để lại đã cho chúng ta bài học và kinh nghiệm để nhìn nhận, đánh giá lại về cách ứng phó với bão lụt để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bởi diễn biến của thời tiết có thể còn nhiều phức tạp, khó lường.

Hoàng Hải

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202409/dung-chu-quan-truoc-thien-tai-de73a68/