Kiên Giang: Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới gắn với cuộc vận động đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đoàn viên, thanh niên Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác cho ngư dân. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoàn viên, thanh niên Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác cho ngư dân. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong những năm qua, tình hình chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh Kiên Giang cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, vẫn còn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như việc vận chuyển hàng cấm xuyên biên giới từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng tinh vi và manh động, tác động đến mọi mặt đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là nhân dân trên tuyến biên giới.

Xuất phát từ tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh."

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đồn Biên phòng đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Ngày truyền thống bộ đội Biên phòng và Ngày hội Biên phòng toàn dân; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, về bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, quản lý biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với Campuchia.

 Cán bộ đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên giới thiệu ý nghĩa của việc phân giới cắm mốc với chi đoàn địa phương tại Cột mốc 314 (Hà Tiên). (Ảnh: TTXVN phát)

Cán bộ đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên giới thiệu ý nghĩa của việc phân giới cắm mốc với chi đoàn địa phương tại Cột mốc 314 (Hà Tiên). (Ảnh: TTXVN phát)

Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vùng biển đảo Kiên Giang.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chỉ huy các đơn vị phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương tiến hành khảo sát thực tế địa bàn và đời sống nhân dân; xây dựng kế hoạch và đăng ký mô hình thi đua "Dân vận khéo" của tập thể, cá nhân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đăng ký 48 mô hình, trong đó có 35 mô hình tập thể và 13 mô hình cá nhân.

Qua tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2021-2023, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang có 17 mô hình được cấp giấy chứng nhận đạt cấp cơ sở, 10 mô hình được cấp giấy chứng nhận đạt cấp trên cơ sở và 3 mô hình đã hoàn chỉnh thủ tục đăng ký mô hình "Dân vận khéo" cấp tỉnh.

Từ việc thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới", tại Kiên Giang những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu như: "Nâng bước em đến trường", "Thắp sáng đường biên", "Vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc", "Xã hội hóa hoạt động chữa cháy đường sông."

Đặc biệt các mô hình "Vườn rau gia đình," "Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn" được các đơn vị thực hiện rất tốt góp phần cải thiện bữa ăn của cán bộ, chiến sỹ và từng gia đình.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động được trên 11 tỷ đồng (cán bộ, chiến sỹ đóng góp trên 9,7 tỷ đồng; vận động các nhà hảo tâm gần 1,3 tỷ đồng) và trên 2.035 ngày công lao động.

Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của trưởng ban công tác Mặt trận, người đứng đầu các tổ chức thành viên Mặt trận ở các thôn, bản, tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tôn giáo, dòng họ.

Qua đó, duy trì 13 tập thể, 202 hộ gia đình và 816 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 103 tổ/619 tàu thuyền/740 thành viên tham gia tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn trên biển; 17 tổ/85 hộ tham gia tự quản về an ninh trật tự thôn, bản, tổ dân phố; 8 tổ/278 tàu tham gia tự quản bến bãi.

Theo Đại tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, các mô hình đăng ký đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị, chủ yếu trên các mặt của đời sống xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ ở địa phương, đơn vị nên cần được nhân rộng.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã có sự chủ động trong gắn việc thực hiện các nội dung phong trào thi đua "Dân vận khéo" vào kế hoạch công tác vận động quần chúng với việc thực hiện tốt "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" mà Tỉnh ủy đề ra.

Qua đó, góp phần làm cho phong trào thi đua ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, chất lượng hiệu quả cao hơn; phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo trong từng hoạt động của phong trào.

Đặc biệt, trong những năm qua, thông qua các hoạt động trong Chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản," bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng trăm căn nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm biên cương; tặng hơn 3.000 suất quà, 1.020 cặp bánh chưng; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.328 lượt người dân; cắt tóc miễn phí cho hơn 880 người… tổng trị giá thực hiện các chương trình gần 5 tỷ đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức "Ngày hội Biên phòng toàn dân" hằng năm ở các huyện, thành phố biên giới với các hoạt động phong phú, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kien-giang-bo-doi-bien-phong-bao-ve-vung-chac-chu-quyen-an-ninh-bien-gioi-post977481.vnp