Đừng chủ quan với bệnh trĩ
Nhiều người chủ quan nên không đi khám ung thư đại trực tràng, vì nghĩ rằng, mình chỉ bị trĩ. Đến khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh cần phân biệt rõ các triệu chứng bệnh, khi có dấu hiệu bất thường, cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán chính xác để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Hơn 50% dân số mắc bệnh trĩ
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, trĩ là một trong những bệnh phổ biến ở vùng hậu môn. Hơn một nửa dân số mắc bệnh này, thường bắt đầu sau tuổi 30. Kết quả điều tra dịch tễ trên thế giới và điều tra 14.000 người tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh trĩ chiếm khoảng 30% ở người trưởng thành. Đây là bệnh ở vùng hậu môn trực tràng, tỷ lệ ở phụ nữ cao hơn so với nam giới.
Tại Trung tâm Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức, trung bình, mỗi ngày có đến 20 - 30 bệnh nhân đến khám các bệnh lý liên quan đến tầng sinh môn tại BV Việt Đức, trong đó 10 bệnh nhân có bệnh lý hậu môn trực tràng, 5 - 7 ca mắc bệnh trĩ. Trong điều trị nội khoa, 50% ca mắc hoàn toàn có thể sống chung với trĩ. 45% số đó nếu có triệu chứng đơn giản có thể dùng thủ thuật tiêm xơ, đốt laze, đốt sóng cao tần…
Mắc ung thư bị chẩn đoán nhầm sang trĩ
Theo PGS.TS Hùng, trĩ là bệnh lành tính, không có liên quan với ung thư. Tuy nhiên, người bệnh cần phân biệt rõ các triệu chứng bệnh, khi có dấu hiệu bất thường, cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán chính xác để có phác đồ điều trị phù hợp. PGS.TS Hùng từng tiếp nhận không dưới 10 trường hợp mắc ung thư trực tràng nhưng được chẩn đoán bị trĩ, thậm chí, điều trị bệnh này tới 3 năm. “Một số bệnh ung thư vùng hậu môn và polip ở vùng đại trực tràng rất hay gặp. Trong đó, nhiều trường hợp bị chẩn đoán là bệnh trĩ, khiến bệnh nhân dùng thuốc điều trị của thầy thuốc hoặc tự uống thuốc đông y, đắp lá mất 6 tháng đến hàng năm không khỏi. Khi họ tìm đến bác sĩ, bệnh ung thư ở giai đoạn rất muộn. Thời gian sống của họ chỉ còn tính bằng tháng” - PGS.TS Hùng cho hay.
PGS.TS Hùng đặc biệt lưu ý những đối tượng bị rối loạn tiêu hóa, đại tiện nhầy, sút cân, cần làm các xét nghiệm lâm sàng bổ sung, soi đại tràng, chụp MRI để chắc chắn không mắc ung thư, mới chữa bệnh trĩ. “Với trĩ, người bệnh thường có các dấu hiệu như đại tiện ra máu tươi, có thể máu nhỏ giọt hoặc thành tia. Bệnh này đơn giản nhưng ở vị trí kín đáo, nên nhiều người ngại đi khám, nhất là phụ nữ. Bệnh tiến triển theo từng đợt, có thể một đợt cấp, sau đó tự diễn biến khỏi. Đặc biệt, đây là bệnh rất hay gặp nên nhiều người chủ quan, thường tự chẩn đoán và tự chữa bệnh, rất nguy hiểm”- PGS.TS Hùng cho hay.
Hiện phương pháp điều trị bệnh trĩ được phân ra làm 3 nhóm: Điều trị nội khoa và chế độ vệ sinh ăn uống; can thiệp bằng thủ thuật; phẫu thuật. Khoảng 90% trường hợp được chỉ định điều trị nội khoa hoặc can thiệp bằng thủ thuật. 10% còn lại là chuyển sang phẫu thuật khi các phương pháp điều trị ở trên không hiệu quả.
PGS Hùng cũng lưu ý, nếu một người mắc bệnh trĩ mà không phát hiện và điều trị, để bệnh tự diễn biến, sẽ có 3 biến chứng có thể gặp phải là chảy máu, sa búi trĩ và búi trĩ bị tắc mạch gây đau, viêm, phù nề, chảy máu, thậm chí có trường hợp tắc mạch gây hoại tử búi trĩ. Đáng lưu ý, nhiều người dân tự chữa trĩ theo kiểu truyền miệng, tin vào thuốc nam hoặc “bác sĩ google” khiến bệnh bị biến chứng nặng. Có những ca bệnh không thể đại tiện thông thường, phải làm hậu môn nhân tạo.
PGS.TS Hùng cũng khuyến cáo, những người mắc bệnh lý này, để tránh gây ra các đợt cấp tính của bệnh trĩ cần phải có chế độ ăn uống vệ sinh lành mạnh và loại bỏ ba nhóm thức ăn gồm: Cay nóng như ớt, hạt tiêu, sả; sử dụng đồ uống có cồn nước chè đặc, cafe… Ngoài ra, người dân nên tập thói quen đi vệ sinh vào buổi tối, không làm việc, đọc sách trong lúc đi vệ sinh, để tránh mắc táo bón hay các bệnh lý về đại trực tràng, hậu môn. Khi có dấu hiệu đi ngoài ra máu, táo bón hoặc tiêu chảy lâu ngày, người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay”- PGS.TS Hùng khuyến cáo.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dung-chu-quan-voi-benh-tri-359058.html