Đừng chủ quan với tắc hẹp động mạch chi
Ở giai đoạn bệnh tắc hẹp động mạch chi khởi phát, hơn 75% trường hợp không có triệu chứng và có người buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng
Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận cứu chữa ông T.H.P (69 tuổi, ở TP HCM) bị tắc hẹp động mạch chi khiến chân lở loét, đau đớn. Ông P. nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội cả hai chi, nửa bàn chân trái xuất hiện những vết loét nhỏ.
Nguy cơ thành phế nhân
Tại Khoa Cấp cứu, sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định nguyên nhân khiến chân bệnh nhân bị lở loét là do tắc hẹp động mạch chi. Người bệnh được chuyển đến Khoa Lồng ngực - Mạch máu để tiếp tục điều trị.
Một nam bệnh nhân khác được BV Nhân Dân 115 (TP HCM) tiếp nhận cũng có bệnh cảnh tương tự. Người bệnh có tiền căn nhồi máu não, cơ tim thiếu máu cục bộ, rung nhĩ, suy tim nhưng uống thuốc điều trị không đều. Hai ngày trước nhập viện, cẳng chân phải ông đau và tím dần.
Qua kiểm tra cận lâm sàng, CT, siêu âm doppler mạch máu chi dưới, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối động mạch chậu, đùi và khoeo 2 chân. Bệnh nhân được phẫu thuật lấy huyết khối động mạch chậu, đùi, khoeo chân trái; phẫu thuật cắt cụt đùi bên phải; điều trị rung nhĩ, suy tim, thuốc kháng đông và qua được nguy kịch.
Theo BS chuyên khoa II Dương Văn Mười Một, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu BV Nhân Dân 115, bệnh lý tắc hẹp động mạch chi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như lở loét ở chân, hoại tử đen đầu chi. Nguy hiểm hơn, những người mắc bệnh này có khả năng dễ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
"Những bệnh nhân có bệnh lý rung nhĩ cần điều trị thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, không được tự ý ngưng thuốc. Bệnh lý rung nhĩ dễ tạo thành huyết khối trong buồng tim. Khi cục huyết khối di chuyển đến cơ quan nào thì gây biến chứng tắc nghẽn mạch máu tại cơ quan đó" - BS Một khuyến cáo.
TS-BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Đại học Y Dược, cho biết bệnh tắc hẹp động mạch chi (hay còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi gây thiếu máu cục bộ. Bệnh tắc hẹp động mạch chi phần lớn xuất hiện ở nam giới. Người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
Tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng rất xấu. Có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30%-40% còn lại phải cắt cụt chi. Phần lớn các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Dễ nhầm bệnh
Thống kê hằng năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy có khoảng hàng chục ngàn bệnh nhân đến khám liên quan đến bệnh do tắc nghẽn mạch máu, trong đó có khoảng 2.000 ca tắc nghẽn mạn tính động mạch chi dưới. Bệnh gây mất chức năng đi đứng của bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do các mảng xơ vữa. Khi tắc động mạch, lượng máu đến nuôi chân giảm đi, gây nên tình trạng thiếu máu nuôi chân ở các mức độ khác nhau.
BS chuyên khoa II Hồ Dũng Tiến, Trưởng Khoa Tim mạch 1 và Đơn vị can thiệp BV Nguyễn Trãi TP HCM, khuyến cáo xơ vữa mạch máu hai chi dưới là bệnh phức tạp và diễn tiến thầm lặng, ít biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm nên dễ bị bỏ sót. Nếu không điều trị kịp thời, để đến khi tình trạng xơ vữa tiến triển gây chít hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn mạch máu nuôi chân sẽ gây ra hệ quả nặng nề. Trong một diễn biến cấp tính, nguy cơ hoại tử cắt cụt chi do thiếu máu nuôi lên đến khoảng 30%, nguy cơ tử vong khoảng 20% cho người bệnh. "Tại BV Nguyễn Trãi, các bác sĩ mất 5 giờ ròng rã để cứu một cụ ông cao tuổi thoát cảnh cắt cụt hai chân vì căn bệnh nguy hiểm này" - BS Tiến nói.
Theo các bác sĩ, ở giai đoạn bệnh khởi phát, hơn 75% trường hợp bệnh tắc hẹp động mạch chi không có triệu chứng. Nếu có, thường là những cơn đau nhẹ ở bắp chân, sẽ biến mất sau khi nghỉ ngơi. Cũng vì vậy mà những cơn đau này thường bị nhầm lẫn là do viêm khớp, bệnh lý cơ hay biểu hiện của tuổi già. Ở giai đoạn nặng, cơn đau sẽ tiếp diễn ngay cả khi nghỉ ngơi, khả năng vận động của người bệnh bị giới hạn. Về lâu dài, các vết lở loét, hoại tử ở chân bắt đầu xuất hiện và lan rộng, da đầu chi đen, các cơn đau cũng nặng nề hơn.
TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược, thông tin biến chứng loét chi do bệnh tắc hẹp động mạch chi thường bắt đầu ở phần xa nhất của chi, tức là tại các đầu ngón tay hoặc ngón chân. Nếu tình trạng loét chỉ xuất hiện ở đầu các chi thì được đánh giá là nhẹ. Ngược lại, nếu vết loét đã lan rộng tới nửa bàn chân hoặc đến gót chân thì bệnh đã nặng.
Ưu tiên bảo tồn
Ưu tiên bảo tồn chi là phương châm hàng đầu để điều trị biến chứng loét chi do bệnh tắc hẹp động mạch chi. Trường hợp bệnh mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp nong mạch máu nhằm tăng lưu lượng máu ở chi, bảo đảm các phần chi ở vị trí xa nhất nhận được đủ ôxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để có thể lành vết loét.
Trường hợp người bệnh đã xuất hiện biến chứng loét hoại tử chi, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần chi đã chết nhưng ở mức tối thiểu, đồng thời kết hợp nong mạch máu để cải thiện tình trạng tắc hẹp cũng như hạn chế nguy cơ hình thành vết loét mới.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/dung-chu-quan-voi-tac-hep-dong-mach-chi-20221226211453805.htm