Dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động - tránh lãng phí nguồn lực đầu tư

Ngày 1/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2440/QÐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Quy hoạch nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động chủ yếu theo hướng dùng chung hạ tầng nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Quyết định đề ra mục tiêu đến năm 2020: Tỉ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp mới đạt trên 85%; tỉ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) đạt 25% - 30% và đến năm 2025: Tỉ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp mới đạt trên 90%; tỉ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm BTS đạt 55% - 60%.

Cột treo cáp VNPT Hưng Yên đầu tư, quản lý được chia sẻ, dùng chung

Cột treo cáp VNPT Hưng Yên đầu tư, quản lý được chia sẻ, dùng chung

Trên cơ sở quy hoạch và mục tiêu đã đề ra, các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh thỏa thuận các phương án hợp tác đầu tư, chia sẻ, dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

VNPT Hưng Yên hiện nay có trên 45 nghìn cột treo cáp và 400 trạm BTS. VNPT ký hợp đồng với các đơn vị như: MobiFone, Viettel để chia sẻ, dùng chung hạ tầng. Ngoài ra, VNPT còn thuê hạ tầng của đơn vị xã hội hóa đã đầu tư hạ tầng dùng chung. Ðến nay, 100% cột treo cáp của đơn vị được dùng chung và tỉ lệ dùng chung trạm BTS đạt 15%. Theo ông Nguyễn Huy Gô, Trưởng phòng Kỹ thuật - Ðầu tư của VNPT Hưng Yên: Hiện nay, đơn vị ký hợp đồng chia sẻ, dùng chung 1.174 cột treo cáp với các doanh nghiệp khác nhưng trên thực tế dây thuê bao của các đơn vị như: Viettel, Truyền hình cáp đều kéo qua các cột treo cáp của VNPT. Trạm BTS cũng được đơn vị chia sẻ, dùng chung hoặc thuê lại của đơn vị khác đầu tư. Việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giúp đơn vị tiết kiệm được nhiều chi phí dùng để đầu tư, quản lý, vận hành. Trong điều kiện việc đàm phán, thuê đất để đầu tư xây dựng trạm BTS ngày càng khó khăn do quỹ đất thu hẹp, người dân nhiều nơi chưa đồng thuận thì việc dùng chung hạ tầng sẽ giúp đơn vị tối ưu hóa, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, qua đó, dồn nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thay vì mỗi nhà mạng phải đầu tư 1 trạm BTS trong khu vực phạm vi phục vụ khiến số trạm BTS tăng 3 - 4 lần thì nhờ dùng chung, chỉ còn 1 trạm BTS được xây dựng. Ðiều này dịch chuyển chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu sang chi phí thuê hạ tầng hằng tháng, giúp doanh nghiệp cân đối chi phí để tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ðối với xã hội, việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giúp tiết kiệm đất, bảo đảm mỹ quan, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

Việc dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 16-35% chi phí đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giảm thiểu những chi phí, thời gian không định lượng được như: Ðàm phán thuê đất xây dựng, đàm phán với người dân trong khu vực xây dựng… Ngoài ra, việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật còn giúp các nhà mạng nâng cao khả năng dự phòng, giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Việc chuyển vùng dịch vụ (roaming) giữa nhà mạng được các doanh nghiệp viễn thông thực hiện trong bão số 3 năm 2024 đã hạn chế gián đoạn thông tin liên lạc, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, liên lạc của người dân và đặc biệt là phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Trạm viễn thông Ðông Chiểu ở xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) được chia sẻ, dùng chung giữa VNPT và MobiFone

Trạm viễn thông Ðông Chiểu ở xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) được chia sẻ, dùng chung giữa VNPT và MobiFone

Ðối với trạm BTS, tỉ lệ dùng chung là 23%, chưa đạt so với mục tiêu của Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp viễn thông chưa thống nhất, đồng thuận về các yếu tố kỹ thuật khi dùng chung hạ tầng như: Ðộ cao lắp đặt thiết bị, đơn giá thuê dịch vụ giữa các doanh nghiệp... Mặt khác, quy định về dùng chung hạ tầng chủ yếu là khuyến khích, chưa có chế tài xử lý, trong khi doanh nghiệp viễn thông thường xuyên có những thay đổi về công nghệ, đòi hỏi hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu... Những vướng mắc này khiến việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong tỉnh còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Ngày 10/10/2023, UBND ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về phát triển hạ tầng số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025. Tại kế hoạch này, một trong những nhiệm vụ cần triển khai thực hiện là: Phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động/tích cực tích hợp với các hạ tầng liên ngành có tính thiết yếu (điện, nước, giao thông, xây dựng, chiếu sáng công cộng...); triển khai roaming trong tỉnh trên các hạ tầng di động (4G/5G)…

Ðồng chí Ðỗ Ðình Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Ðể thúc đẩy việc dùng chung hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông, UBND tỉnh đã yêu cầu 100% các khu đô thị, khu công nghiệp mới có hạ tầng cống, bể cáp đáp ứng nhu cầu ngầm hóa hệ thống cáp ngoại vi của các doanh nghiệp viễn thông. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư theo đúng quy hoạch được phê duyệt, cùng đầu tư và sử dụng chung hạ tầng viễn thông; tích cực phối hợp, đàm phán để sử dụng chung hạ tầng…

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/dung-chung-ha-tang-ky-thuat-vien-thong-thu-dong-tranh-lang-phi-nguon-luc-dau-tu-3178680.html