'Dùng dằng' điều chỉnh giờ học
Tuần qua, việc điều chỉnh giờ vào học buổi sáng của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11, TPHCM) từ năm học 2023-2024 thu hút nhiều quan tâm, bình luận trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Trước đó, hiệu trưởng trường này cho biết, việc điều chỉnh giờ vào học buổi sáng muộn hơn trước 15 phút đã được lấy ý kiến phụ huynh tại buổi họp cha mẹ học sinh cuối năm. Được số đông ý kiến đồng tình của phụ huynh nên nhà trường quyết định áp dụng từ năm học tới. Sau khi ra thông báo, quyết định nói trên vấp phải một số ý kiến trái chiều của phụ huynh khiến phòng GD-ĐT quận 11 yêu cầu đơn vị giải trình.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đầu tháng 11-2022, sở có văn bản yêu cầu tất cả trường học rà soát, điều chỉnh giờ vào học buổi sáng đảm bảo quy định không sớm hơn 7 giờ 30 phút đối với bậc mầm non và tiểu học, 7 giờ 15 phút với bậc THCS và 7 giờ với bậc THPT. Ngoài ra, trường học phải có kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 phút, không để học sinh đến sớm hơn thời gian quy định phải đứng trước cổng trường.
Như vậy, quyết định lùi giờ vào học buổi sáng của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh không trái với chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT TPHCM và được thực hiện sau khi đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Vì sao một quyết định hợp tình hợp lý lại khiến người đứng đầu đơn vị giải trình, tranh luận “có nên lùi giờ vào học buổi sáng” một lần nữa gay gắt trên các diễn đàn, mạng xã hội?
Trên thực tế, mỗi gia đình có thời gian sinh hoạt khác nhau, không có giờ vào học nào đáp ứng 100% nhu cầu của phụ huynh. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giờ vào học buổi sáng sớm hay muộn 15 phút không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường. Yếu tố then chốt để đưa ra quyết định là dựa trên nhu cầu thực tế của phần lớn phụ huynh, đồng thời có phương án hỗ trợ những gia đình đưa con đến trường sớm hơn giờ quy định.
Việc này thuộc thẩm quyền quyết định của hiệu trưởng, có sự giám sát, quản lý từ cơ quan chức năng. Một ví dụ nhỏ nhưng vô hình trung tạo ra tâm lý ngại đổi mới ở cơ sở giáo dục, có thể khiến sự nỗ lực sáng tạo không được phát huy.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dung-dang-dieu-chinh-gio-hoc-post696762.html