'Đứng đầu' hay 'đứng trên'?
Những năm gần đây, Đảng ta và cấp ủy Đảng các cấp trong hệ thống chính trị đã ban hành nhiều văn bản quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Mục đích là để gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong thực tiễn cho thấy, có những cán bộ có công thì nhận về phần mình với những ngôn từ “có cánh”, nào là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm cao của cán bộ chủ chốt... nhưng khi có khuyết điểm, sai sót thì đổ lỗi cho tập thể, cho rằng lỗi do người khác, do yếu tố khách quan, không dám nhận khuyết điểm về phần mình. Cá biệt, có đồng chí cán bộ chủ chốt không biết vô tình hay cố ý không hiểu về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng nên có tư tưởng vụ lợi cá nhân, coi mình là cán bộ “đứng đầu”, là người “đứng trên” tất cả, có quyền quyết định mọi việc không cần họp, trao đổi, xin ý kiến tập thể; coi cán bộ cấp dưới chỉ là người giúp việc “chỉ đâu đánh đấy”. Từ đó, nảy sinh tư tưởng tiêu cực, lợi ích nhóm, xây dựng “cánh hẩu”, việc thuận lợi, dễ dàng thì giao cho người thân quen, việc khó khăn, trở ngại thì giao cho người khác thực thi.
Người cán bộ “đứng đầu” là người đứng mũi chịu sào mà tổ chức tin tưởng giao phó, phải chèo lái con thuyền (chính là cơ quan, đơn vị, địa phương) dù thuận lợi hay khó khăn, trắc trở cũng phải cùng tập thể quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, khó cùng chịu, lợi cùng hưởng; xây dựng tinh thần đoàn kết thực sự, tất cả vì lợi ích chung chứ không phải là người “đứng trên” tập thể, “đứng trên” cả cấp ủy, ban thường vụ, làm việc vô nguyên tắc, vi phạm Điều lệ và các quy định của Đảng.
Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta rất rõ ràng, khoa học, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực được giao; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Cán bộ chủ chốt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và là người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất nếu để xảy ra những sai phạm, khuyết điểm. Trái lại, khi cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ thì người cán bộ chủ chốt cũng được tổ chức ghi nhận, tôn vinh, Nhân dân, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng.
Mong rằng những người đã và đang là cán bộ chủ chốt các cấp hãy hiểu, thực hành đúng vai trò người “đứng đầu” chứ không phải “đứng trên” tập thể, thích làm gì thì làm theo ý cá nhân mình. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy phát huy tinh thần đấu tranh trong sinh hoạt Đảng, dám nói, dám phê bình những thói hư tật xấu, những việc làm sai trái, việc chưa đúng ngay trong cơ quan, đơn vị mình trên tinh thần xây dựng, cầu thị. Những cán bộ “đứng đầu” cơ quan mà cảm thấy khó khăn, áp lực không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có thể báo cáo tổ chức xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác. Mỗi tổ chức Đảng nên xem xét, loại khỏi bộ máy những người đã từng thực hành coi mình là “đứng trên” hoặc có tư tưởng, chiều hướng “đứng trên” tập thể càng sớm càng tốt. Nếu không, những người này không sớm thì muộn cũng sẽ gây hại cho tập thể, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dung-dau-hay-dung-tren-222235.htm