Đừng đẩy khó cho người bệnh

Suốt hơn nửa tháng qua, tình hình thiếu hóa chất, thiết bị và vật tư y tế trở nên nóng bỏng; một số bệnh viện (BV) lớn trên cả nước liên tục kiến nghị lên Sở Y tế, Bộ Y tế, rồi Bộ Y tế có báo cáo và đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp tháo gỡ thực trạng này.

Đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Từ tháng 8-2022, đã có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở 28 cơ sở y tế và 12 BV trung ương. Lần này, tình hình trầm trọng hơn. Báo cáo về khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19). Bộ Y tế nhận định khó nhất hiện nay là bộ không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng. Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trước tình trạng trên, trong Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25-2, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tháng 3 -2023.

Cùng ngày, làm việc với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những loại hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có 1 nhà cung cấp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt, "trong tình huống cấp cứu thì phải rất kịp thời" bởi tình trạng văn bản còn có nhiều vướng mắc, bất cập.

Những ngày này, ai có vào BV mới thấm thía nỗi vất vả của người bệnh và BV. Nhiều người nhà bệnh nhân đang điều trị tại BV ở TP HCM phải chạy đôn chạy đáo nhiều nhà thuốc mới tìm được loại thuốc để điều trị, tất nhiên giá thuốc rất cao và khoản này không được BHYT thanh toán. Nhiều loại vật tư, biệt dược cần thiết trong điều trị bệnh lại khan hiếm dần và không thể kiếm được, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị.

Tháng 3 đã tới, nếu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan vẫn cứ đủng đỉnh hay "nhìn nhau" thì tình trạng sẽ vẫn như cũ; gánh nặng tiếp tục đổ lên vai các BV và dĩ nhiên, thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh. Hãy quyết liệt và khẩn trương hơn, việc gì trong thẩm quyền, trong tầm tay thì hãy chủ động tháo gỡ, để cho các BV hoạt động suôn sẻ và thêm nhiều người bệnh được bình phục, trở về với gia đình.

NGUYỄN THIÊN DI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/dung-day-kho-cho-nguoi-benh-20230301220039172.htm