Đừng đẩy tiểu thương chợ truyền thống vào thế chân tường

Câu chuyện hàng trăm tiểu thương ở Trung tâm thương mại Đại Quang Minh phản đối tăng giá thuê sạp cao hơn cả doanh thu bán hàng, hay như vụ bãi thị trước đây của tiểu thương chợ An Đông, đã phần nào phản ánh nỗi lo rơi vào thế chân tường của các tiểu thương chợ truyền thống ở Tp.HCM. Nhất là trong bối cảnh buôn bán ế ẩm từ các chợ sỉ đến chợ lẻ, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.

Những ngày gần đây, vụ việc hàng trăm tiểu thương ở Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh (ở đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, Tp.HCM) treo băng rôn và xin tạm ngừng kinh doanh nhằm phản đối giá thuê sạp tăng mạnh đang gây ra nhiều ý kiến dư luận trái chiều.

Tăng giá thuê sạp cao hơn cả doanh thu bán hàng

Thương xá lâu đời này được mệnh danh là khu chợ nguyên phụ liệu may mặc lớn nhất Tp.HCM và hiện chịu sự quản lý của CTCP Thương mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco) - tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, sau đó được cổ phần hóa.

Các tiểu thương ở Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh treo băng rôn phản đối Satraseco tăng giá thuê.

Các tiểu thương ở Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh treo băng rôn phản đối Satraseco tăng giá thuê.

Theo đó, phía tiểu thương ở Đại Quang Minh muốn đối thoại công khai với ban lãnh đạo Satraseco để biểu quyết thỏa thuận giá nhằm có sự đồng thuận giữa các bên để tiếp tục duy trì hoạt động của một chợ truyền thống chuyên ngành.

Về quan điểm của Satraseco, họ cho rằng giá thuê sạp đang ở mặt bằng chung rất thấp nên kỳ điều chỉnh này công ty tăng theo đúng với thị trường. Mức giá điều chỉnh phù hợp với thị trường và căn cứ theo giá mặt bằng chung trên cơ sở diện tích và hệ số K (giá dựa vào vị thế, vị trí đắc địa...).

Cụ thể, để tránh tăng quá mạnh, họ chia làm 2 đợt trong năm. Giai đoạn 1 là 6 tháng đầu, tăng 40-60% và giai đoạn 2 là 6 tháng tiếp tăng 40-50%.

Bên cạnh đó, công ty này cũng cho biết sẽ không chấp nhận việc bị ép giá, ép buộc giữ giá để ký hợp đồng. Phía công ty sẽ không tái ký hợp đồng với các khách hàng không hợp tác, có các hành vi xúi giục, lôi kéo, tụ tập gây rối làm mất an ninh trật tự.

Và trong trường hợp khách hàng và công ty không thể thống nhất được việc ký kết hợp đồng, công ty buộc lòng phải tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng và thu hồi quầy sạp…

Nhiều ý kiến cho rằng đợt tăng giá của Satraseco là khó có thể chấp nhận được trong thời điểm này (được cho là cao hơn cả doanh thu bán hàng mỗi tháng hiện nay của mỗi sạp) khi mà các tiểu thương đã thiệt hại 2 năm qua bởi đại dịch Covid-19 và vẫn chưa chưa hồi phục như giai đoạn trước dịch. Vì thế, việc giá thuê mặt bằng như trên rõ ràng là ép các tiểu thương vào thế khó.

Thật ra, theo lý lẽ thông thường thì tiểu thương nếu thấy việc tăng giá thuê không hợp lý thì có thể không thuê. Tuy nhiên điều mà nhiều người băn khoăn là khoản đóng góp trước đây của các tiểu thương vào thời điểm 1990-1991 (để có một chỗ sạp rộng bình quân 4m2, mỗi hộ đã góp hơn 10 lượng vàng vào năm đầu tiên) và tiền cơ sở vật chất vào năm 2005 (mỗi hộ đóng tiền cơ sở vật chất 100 triệu đồng - tương đương 12 lượng vàng). Do đó, vấn đề khó hiểu là ràng buộc giữa tiểu thương và Công ty Satraseco là như thế nào?

Khó chồng khó”

Việc đóng góp như trên ở chợ Đại Quang Minh giống như một hình thức góp vốn hạ tầng. Từ đó để thấy việc tăng giá thuê quá căng, rồi đe dọa nếu tiểu thương không chấp nhận có thể bị thu hồi quầy sạp thì rõ là có sự chèn ép.

Thực ra, có một số ý kiến cho rằng mức giá cho thuê của Satraseco sau khi đã tăng lên là hợp với thị trường hiện nay, cũng vì lợi nhuận mà tăng giá thuê đến với tiểu thương. Và đối tượng chịu thiệt luôn là tiểu thương và người mua hàng cuối cùng chịu hết.

Tuy nhiên, lẽ ra đơn vị quản lý muốn tăng giá thuê mặt bằng cũng phải cân nhắc và có lộ trình thích hợp, chứ không thể nắm đằng cán rồi muốn tăng bao nhiêu thì tăng vào thời điểm khó khăn này.

Vụ việc phản đối của bà con tiểu thương chợ Đại Quang Minh cũng làm nhiều người liên tưởng lại vụ việc bãi thị, đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng cửa sạp hồi năm 2017 của bà con tiểu thương ở Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (ở quận 5) - là chợ đầu mối hàng đầu Tp.HCM chuyên cung cấp sỉ quần áo.

Theo phản ánh của tiểu thương chợ An Đông vào thời điểm trên, từ đầu năm 2012, nhiều tiểu thương đã được vận động đóng góp hơn 217 tỉ đồng để quận 5 nâng cấp chợ An Đông, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm thương mại vừa mọc lên trên địa bàn quận.

Thế nhưng, trong 5 năm sau đó, cam kết nâng cấp chợ của UBND quận 5 vẫn chưa được thực hiện. Hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt những bức xúc của tiểu thương chợ An Đông trước những chính sách mà chính quyền quận 5 thực hiện và các khoản thu như tiền điện, nước tại đây được cho là cao hơn so với giá quy định.

Thời gian sau này, UBND quận 5 được cho là đã bị các tiểu thương chợ An Đông khởi kiện về hành vi hành chính khi yêu cầu các tiểu thương phải ký hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh.

Đây là những vấn đề nhức nhối khiến các tiểu thương chợ An Đông liên tục có những ý kiến, kiến nghị mong muốn có một chính sách giải quyết cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho họ.

Nêu ra hai sự kiện trên để thấy những khó khăn của các tiểu thương là rất nan giải, như vào thế chân tường. Nhất là trong bối cảnh sau các tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đến nay tình hình buôn bán ở nhiều chợ truyền thống ở Tp.HCM được đánh giá là vẫn còn rơi vào cảnh ế ẩm.

Điều này đã được dư luận phản ánh nhiều với việc hàng loạt tiểu thương tại các chợ sỉ đến chợ lẻ ở Tp.HCM đóng cửa, sang sạp. Và hiện tại, với tình hình “khó chồng khó” như vậy, điều mà tiểu thương cần là sự hỗ trợ, giúp sức thay vì ép họ phải rơi vào cảnh đường cùng.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/dung-day-tieu-thuong-cho-truyen-thong-vao-the-chan-tuong-1086033.html