Đừng để bệnh thành tích phát sinh từ chỉ tiêu thi đua

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi vừa tham dự buổi họp phụ huynh học sinh (PHHS) trực tuyến cho cháu mình.

Buổi họp thông báo kết quả học tập của tất cả học sinh do cô chủ nhiệm tổ chức. Trong khi chờ đợi đến giờ họp, điều đầu tiên làm tôi thảng thốt là kết quả học tập của các học sinh được ghi trên bảng. Lớp sĩ số 42 em, nhưng có đến 32 em đạt học sinh giỏi (76,2%), 10 em khá (23,8%), không có học sinh trung bình hay yếu kém. Tất nhiên, với kết quả tuyệt vời như thế thì thầy cô, phụ huynh, học sinh nào cũng vui mừng. Tuy nhiên, liệu có nên vui khi một lớp học có gần 80% học sinh giỏi?

Ai cũng biết, kết quả học tập của một lớp học, phải có em giỏi, khá, yếu, kém... Chính vì vậy mới có những thang xếp loại học tập. Là người đang công tác trong ngành Giáo dục, tôi hiểu được việc học tập không dễ dàng gì. Nếu là trường điểm, trường chuyên, với kết quả học tập như vừa nêu trên thì không đáng để bàn. Còn đây là một lớp học ở một ngôi trường bình thường, thì mỗi em có một sức học khác nhau, sao lại toàn là học sinh giỏi. Như thời của tôi học, học trò được nằm trong top 5 (từ hạng 1 đến hạng 5) phải nỗ lực hết mình, cực kỳ cần cù, thông minh lắm mới đạt được điểm trung bình trên 8.0. Còn bây giờ, điểm trung bình như thế là tầm thường. Nếu vậy, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh kiểu này có còn hữu dụng? Vì nếu cứ như thế thì làm sao học sinh phấn đấu vươn lên để trội hơn bạn mình, thể hiện năng lực cạnh tranh…

Đem câu chuyện cả lớp đa số là học sinh giỏi về hỏi cháu tôi: “Lớp con ai cũng học giỏi thế hả?”. Cô bé ngây thơ trả lời: “Con thấy có bạn học cũng tệ lắm”. Không riêng gì lớp của cháu tôi mà rất nhiều lớp học trung bình hiện nay, kết quả học tập của học sinh đa phần đều xếp loại giỏi (có lớp giỏi hoàn toàn). Điều đó phụ huynh có quyền nghi ngờ về việc xếp loại học tập. Thực tế cho thấy, do phải “chạy đua” thành tích, nhiều giáo viên phải nâng kết quả học tập của một số học sinh. Đó là chưa nói, chỉ tiêu thi đua về thành tích học tập của học sinh còn dùng làm cơ sở cạnh tranh giữa trường với trường, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh...

Đồng ý rằng việc đề ra chỉ tiêu thi đua có mặt ưu là giúp các cá nhân, tập thể phấn đấu, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất chứ không thụ động, chây ỳ. Tuy nhiên, mặt khuyết của nó quá lớn. Những chỉ tiêu mà ngành Giáo dục đề ra đã gây áp lực lên cá nhân, tập thể. Từ đó dẫn đến việc gian dối ở một số trường. Có trường, chất lượng học tập của học sinh thì thấp nhưng năm nào cũng đặt ra chỉ tiêu học sinh khá giỏi cao nên giáo viên phải “tìm mọi cách” để đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Một điều nữa cần nói là các chỉ tiêu của năm học mới phải cao và đẹp hơn năm trước nên học sinh yếu kém ngày càng ít. Thế mới có tình trạng học sinh lên lớp 6 mà khả năng viết chữ tiếng Việt không rành.

Đã đến lúc nên xem xét lại việc đặt chỉ tiêu thi đua trong học tập. Đừng vì những chỉ tiêu “trên trời” mà giết chết cả thế hệ học trò.

NGUYỄN THANH VŨ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/255915/dung-de-benh-thanh-tich-phat-sinh-tu-chi-tieu-thi-dua.html