Đừng để cứu trợ thành gánh nặng và sự lãng phí!

Trong bất kỳ hoạt động cứu trợ nào, việc xác định rõ nhu cầu của người dân và địa phương là điều quan trọng nhất.

Miền Bắc đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng sau cơn bão Yagi, với những thiệt hại to lớn về người và của. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, cơ sở hạ tầng giao thông hư hỏng nặng, nhiều hecta hoa màu bị cuốn trôi, hàng trăm người chết và mất tích, hàng chục nghìn người dân đang lâm vào cảnh khó khăn, mất mát.

Tinh thần “lá lành đùm lá rách”

Cơn bão Yagi đã mang đến nỗi kinh hoàng và những tổn thất to lớn cho đồng bào miền Bắc nhưng trong những thời khắc nguy nan, tinh thần “lá lành đùm lá rách” được phát huy mạnh mẽ.

Những chương trình quyên góp từ Bắc chí Nam, từ thành phố đến vùng nông thôn, từ những em học sinh, người lao động bình dị đến những doanh nghiệp lớn, tất cả đều hướng về miền Bắc với tấm lòng chia sẻ, đồng cảm.

Việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn lan tỏa giá trị tinh thần, là sự an ủi to lớn cho những người đang đối mặt với mất mát và đau thương.

Những chuyến hàng cứu trợ, những cuộc vận động quyên góp nhanh chóng được triển khai với những vật phẩm như mì gói, bánh chưng, quần áo, chăn màn, nước sạch, thuốc men… đến tiền mặt.

Nhiều nhóm thiện nguyện không ngại gian khó, vượt qua địa hình hiểm trở để đến với những ngôi làng bị cô lập…

Những sự giúp đỡ này không chỉ giảm bớt phần nào khó khăn trước mắt mà còn thể hiện sự đùm bọc, nghĩa đồng bào, tạo ra sức mạnh cộng đồng, cùng nhau đối diện và vượt qua thiên tai, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Lực lượng quân đội giúp dân di chuyển và tiếp tế nhu yếu phẩm. Ảnh: TTXVN

Lực lượng quân đội giúp dân di chuyển và tiếp tế nhu yếu phẩm. Ảnh: TTXVN

Cứu trợ hiệu quả và thiết thực

Tuy nhiên, cùng với nghĩa đồng bào, lòng nhiệt huyết, việc cứu trợ cũng cần phải được tổ chức một cách hợp lý; được chuẩn bị, quản lý và thực hiện một cách chuyên nghiệp, với sự thấu hiểu về nhu cầu thực tế của người dân vùng bão. Như vậy, sự giúp đỡ mới thực sự có hiệu quả và mang lại lợi ích lâu dài cho đồng bào bị ảnh hưởng.

Thực tế, một số mặt hàng cứu trợ không phù hợp như mì gói, bánh chưng, hay thực phẩm chế biến sẵn đã gây không ít khó khăn cho công tác phân phối, quản lý, lưu trữ tại địa phương và gây ra sự lãng phí vì nhanh hư hỏng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả cứu trợ mà còn gây bối rối và mất thời gian cho đội ngũ cứu hộ tại hiện trường.

Nhu yếu phẩm cần thiết như nước sạch và thiết bị lọc nước; thuốc men và dụng cụ y tế (thuốc cấp cứu, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc tiêu hóa, dụng cụ sơ cứu cơ bản…); lương khô giàu dinh dưỡng hoặc các thực phẩm ăn liền đóng gói; chăn màn, quần áo chống nước và các sản phẩm vệ sinh cá nhân; thiết bị cứu hộ và liên lạc (đèn pin, pin dự phòng…) cần được ưu tiên.

Đặc biệt, việc hỗ trợ về y tế và vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng để ngăn chặn các dịch bệnh sau thiên tai.

Ngoài ra, với những thiệt hại nặng nề do bão, lũ, sạt lở gây ra, việc hỗ trợ một cách hiệu quả và lâu dài cho người dân là một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của cả chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế.

Theo báo cáo sơ bộ, bão đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị sập, nhiều trường học, bệnh viện bị hư hại, giao thông bị tê liệt hoàn toàn tại một số khu vực.

Ngoài ra, thiệt hại về nông nghiệp cũng là một thách thức lớn khi hàng nghìn hecta lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại. Người dân ở những vùng bị ảnh hưởng cần sự trợ giúp lâu dài để tái thiết cuộc sống.

Trước mắt, việc khôi phục lại cơ sở hạ tầng tạm thời như cầu đường, hệ thống cấp nước, điện, trạm y tế, trường học… là điều cần thiết để người dân có thể ổn định, duy trì cuộc sống.

Các tổ chức cứu trợ xã hội, các đoàn thể từ thiện và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương để cung cấp các gói hỗ trợ này.

Về lâu dài, cần có các chiến lược hỗ trợ, tính toán bài bản việc tái thiết nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Cần ưu tiên đầu tư vào các công trình chống lũ lụt, như hệ thống thoát nước, đê điều, cũng như xây dựng nhà ở kiên cố cho các vùng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, cung cấp vốn vay ưu đãi để người dân có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh tế. Đặc biệt, cần khuyến khích và hỗ trợ người dân ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Với cấp quản lý Nhà nước, việc giảm thiểu thiệt hại do bão và lũ không chỉ phụ thuộc vào công tác cứu trợ mà còn liên quan chặt chẽ đến hệ thống cảnh báo và ứng phó thiên tai. Một hệ thống cảnh báo sớm và chính xác sẽ giúp người dân chuẩn bị tốt hơn, từ đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Các chương trình giáo dục cộng đồng về ứng phó với thiên tai cũng cần được chú trọng, để người dân biết cách bảo vệ mình và tài sản trong trường hợp khẩn cấp.

Thiên tai là điều không thể tránh khỏi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu thiệt hại và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho người dân sau cơn bão Yagi bằng việc hỗ trợ khẩn cấp đến tái thiết lâu dài, từ việc nâng cao năng lực dự báo thiên tai đến xây dựng cộng đồng vững mạnh.

Mời tham gia diễn đàn

Bão lũ không chỉ để lại hậu quả nặng nề về vật chất mà còn thử thách khả năng phối hợp, tổ chức của chúng ta trong việc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai.

Làm thế nào để công tác cứu trợ sau thiên tai diễn ra hiệu quả và thiết thực nhất? Đây là vấn đề mà các đoàn thể, địa phương và các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện đang thực sự quan tâm, mong muốn tạo nên sự thay đổi tích cực, biến lòng tốt thành hành động thiết thực.

Báo Người Lao Động mở diễn đàn để bạn đọc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này. Bạn đọc có thể chia sẻ những sai lầm thường gặp trong cứu trợ khẩn cấp; nhu cầu thực sự của người dân vùng thiên tai; làm sao để cứu trợ đúng và kịp thời; các giải pháp cứu trợ bền vững và lâu dài cho việc tái thiết sau bão...

Mời bạn đọc gửi ý kiến, bài viết qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.

Châu Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-de-cuu-tro-thanh-ganh-nang-va-su-lang-phi-196240913163502897.htm