Đừng để dân mất niềm tin
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu sống mẫu mực, thực hiện nêu gương, lại xuất hiện hàng loạt những biểu hiện các quan đầu huyện, đầu tỉnh phô trương, hình thức, xa hoa, lãng phí và tiếp diễn việc sử dụng xe công vào những công việc riêng, bất chấp, coi thường các quy định của Đảng và dư luận của nhân dân.
Xin điểm qua một vài vụ đang gây bức xúc trong xã hội. Đó là, việc liên quan đến 6 chiếc xe biển xanh của tỉnh Hậu Giang đi dự tiệc thôi nôi cháu của Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang xảy ra vào tháng 2-2019. Rồi đám cưới con trai trưởng của gia đình bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức đãi tiệc 4 lần trong 3 ngày vào tháng 7-2019, có xe công chở cán bộ đến dự, trong đó gồm nhiều xe biển xanh, biển đỏ của các địa phương khác nhau như Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ…
Mới nhất là vào ngày 20-10-2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang thừa nhận gia đình ông có tổ chức "Tiệc ăn mừng khai trương nhà nuôi chim yến". Trong số các xe biển xanh đến dự có một chiếc xe là của cơ quan Ủy ban Kiểm tra do cấp phó đi, chiếc kia do mấy anh nghỉ hưu mượn của Sở Giao thông…
Đám cưới hoành tráng, làm dềnh dang 3 đến 4 ngày, mời cả nghìn khách đã đành, nhưng còn việc thôi nôi cho cháu và cả khai trương nhà nuôi chim yến cũng mở tiệc linh đình, mời mọc tùm lum... thì quả là bái phục về khả năng tận dụng cơ hội để kiếm phong bao, phong bì của một số lãnh đạo.
Ai cũng biết, chẳng ai đến ăn không của ai bao giờ… Với những tấm thiệp mời của lãnh đạo thì thường được hiểu rằng, việc đến dự không những là bắt buộc mà phong bì mừng cho anh, chị và các cháu cũng phải tương đối khá. Nhiều người khi nhận được cái thiệp mời mà tái cả mặt, nhất là người làm công ăn lương, không có chỗ nào "cơi nới", thì đi ăn tiệc chỉ vài đám có khi hết cả tháng lương.
Chính phủ đã có nhiều quy định về thực hiện nếp sống văn minh, từ việc hạn chế tổ chức các lễ hội, các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng tràn lan, đến từ chối nhận quà vào dịp kỷ niệm, hay thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, với tiêu chí lễ cưới không quá 300 khách mời, không tổ chức cưới ở những nhà hàng sang trọng, đắt tiền, tăng cường thiếp báo hỉ thay cho thiếp mời dự tiệc cưới… Nếu cán bộ vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định trong quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật.
Là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lẽ ra họ không chỉ phải làm gương cho cấp dưới mà phải biết giữ mình để tránh sa vào những vụ việc gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc cán bộ "nói một đằng, làm một nẻo", kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ Nhà nước, bằng tiền thuế của dân, tiệc tùng vô độ… không phải là hiếm; chẳng những không làm gương được, mà còn làm giảm uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân cũng khá rõ rệt. Cán bộ bây giờ nhiều người có thu nhập cao (cả chính thức lẫn không chính thức), nên nhà cửa, dinh cơ của họ cũng thường kín cổng cao tường, mỗi khi về đến nhà là họ bước vào thế giới riêng của mình. Bên cạnh đó, ngoài giờ làm việc nếu không về với thế giới riêng thì đa phần họ cũng tụ tập với nhau để ăn nhậu và giải trí, mà ở đó khó có mặt những người dân bình thường. Không ít địa phương đã hình thành nên những khu phố mà người ta gán cho nó cái tên "phố VIP", nghĩa là những khu phố đó chỉ toàn gia đình cán bộ.
Sau những vụ việc đã xảy ra, người dân đồn đoán là những vi phạm này rồi lại được xử lý theo kiểu: Lần này chúng tôi không rút kinh nghiệm sâu sắc mà sẽ làm quyết liệt, không để dư luận có cái nhìn không tốt về mức độ kỷ luật cán bộ làm sai. Chúng tôi hứa nếu sai chúng tôi sẽ xử lý "cực kỳ nghiêm, rút kinh nghiệm cực kỳ sâu sắc" để làm gương cho các cán bộ khác. Người dân còn nghèo, còn quá nhiều khó khăn, vất vả, nhìn cách phô trương, lãng phí của không ít cán bộ, công chức. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm vẫn theo kiểu "giơ cao, đánh khẽ" đã khiến người dân thật sự nản lòng.
Chúng ta cần phải thẳng tay trước những vi phạm của những cán bộ, công chức phô trương, lãng phí, coi thường kỷ cương, phép nước. Nếu còn xử lý sai phạm theo kiểu "xin nhận khuyết điểm và kiểm điểm sâu sắc" thì sẽ còn sai phạm. Hãy thực hiện ngay kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng "Đại hội Đảng là dịp để lựa chọn, sàng lọc, củng cố đội ngũ cán bộ; không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với đất nước; không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình".
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, chúng ta không thiếu người tài, đức, đừng sợ mất cán bộ mà để mất niềm tin của nhân dân. Bởi mất tiền là mất ít, mất thời gian là mất nhiều và khi mất niềm tin là mất tất cả.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dung-de-dan-mat-niem-tin-566863/