Đừng để di tích lạ lẫm sau trùng tu

Dù Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ về việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, nhưng trên thực tế, vẫn có những đơn vị thực hiện chưa đúng hoặc chưa đầy đủ, thậm chí thiếu trách nhiệm. Hậu quả là nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá đã bị xâm hại, thậm chí mất đi vĩnh viễn - điều mà không một nỗ lực nào sau này có thể bù đắp được…

Chùa Cầu - Hội An (tỉnh Quảng Nam) sau khi trùng tu đã gây ra những ý kiến trái chiều. Ảnh: Tấn Thành

Chùa Cầu - Hội An (tỉnh Quảng Nam) sau khi trùng tu đã gây ra những ý kiến trái chiều. Ảnh: Tấn Thành

Đừng trùng tu một cách tùy tiện

Gần đây, là công tác trùng tu tại Di tích Quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Việc đơn vị thi công đưa xe múc cỡ lớn vào khuôn viên di tích để thi công đã dấy lên nhiều lo ngại về cách thức triển khai thiếu thận trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến cấu trúc và không gian nguyên gốc của di tích.

Liên quan đến việc trùng tu, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, có biện pháp xử lý việc phá dỡ, tu bổ đền Đuổm.

Trước đó, khi trùng tu, tôn tạo di tích đền tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - “báu vật” cổ có niên đại hơn 1.000 năm, các đơn vị thi công cũng có những dấu hiệu vi phạm Luật Di sản khi đưa xe múc vào di tích để thi công.

Đã có những di tích từng gây tranh cãi trong quá trình trùng tu do công tác thực hiện thiếu chuẩn mực, thiếu kiểm soát chặt chẽ. Những sai lệch trong thi công không chỉ làm mất đi tính xác thực trong kiến trúc mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng tới những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc vốn có của di tích.

Vị trí nhà tam bảo bị cháy của di tích nghệ thuật quốc gia chùa Vẽ ở Bắc Giang.

Vị trí nhà tam bảo bị cháy của di tích nghệ thuật quốc gia chùa Vẽ ở Bắc Giang.

Liên quan đến vấn đề này, ThS. Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Di sản, Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, vẫn còn không ít trường hợp tu bổ, tôn tạo di tích một cách tùy tiện, thậm chí vi phạm quy định pháp luật. Nhiều công trình không tuân thủ đúng nội dung đã được thẩm định bởi cơ quan chức năng, dẫn đến những sai lệch nghiêm trọng về kiến trúc, chất liệu cũng như giá trị nguyên bản của di tích.

“Những hành vi này không chỉ làm tổn hại đến tính xác thực và nguyên vẹn của di sản mà còn gây băn khoăn, bức xúc trong dư luận xã hội. Khi một di tích bị “làm mới” quá mức, biến dạng so với nguyên mẫu, chúng ta không chỉ đánh mất một công trình vật chất, mà còn làm mai một một phần ký ức lịch sử, văn hóa của cộng đồng” - ông Tới nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, với một số di tích khi trùng tu đưa các máy xúc vào thi công sẽ ảnh hướng đến các kiến trúc của di tích, đây là cách làm thô bạo. Cơ quan chức năng phải có quy định khi trùng tu được sử dụng chất liệu gì, vật liệu gì, phương tiện gì. Quá trình làm phải có sự giám sát chặt chẽ, đừng để việc xong rồi mới tìm giải pháp.

Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Tùng - Trường Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, mọi hoạt động tu bổ, phục hồi di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thẩm định kỹ thuật của cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo giữ gìn tính nguyên gốc và giá trị lịch sử – văn hóa của di tích. Việc tự ý thay đổi kiểu kiến trúc, chất liệu, kết cấu hoặc xây dựng mới các hạng mục mà không có sự đồng thuận và thẩm định của cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật.

Máy móc cỡ lớn tiến hành phá dỡ nhiều hạng mục tại đền Đuổm (tỉnh Thái Nguyên) vào tháng 3/2025.

Máy móc cỡ lớn tiến hành phá dỡ nhiều hạng mục tại đền Đuổm (tỉnh Thái Nguyên) vào tháng 3/2025.

“Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít công trình tu bổ thực hiện không đúng quy định, khi tùy tiện thay đổi kiến trúc hoặc sử dụng vật liệu không phù hợp, làm mất đi tính nguyên gốc của di tích. Thậm chí, có trường hợp thi công sai thiết kế đã được phê duyệt, cố tình bỏ qua ý kiến của cơ quan chuyên môn. Đáng báo động hơn là tình trạng lạm dụng danh nghĩa “tu bổ” để xây dựng mới hoặc đưa vào các yếu tố hiện đại hóa, khiến di tích bị biến dạng nghiêm trọng.

Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây tổn hại sâu sắc đến giá trị lịch sử - văn hóa, làm mất tính xác thực vốn có của di tích. Xét trên phương diện quản lý, đây còn là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm và buông lỏng giám sát từ phía chính quyền địa phương hoặc chủ đầu tư” - luật sư Hoàng Tùng nói.

Bên cạnh đó, việc những di tích bị hư hại, thậm chí bị phá hủy hoàn toàn do hỏa hoạn, thiên tai được phục dựng ra sao để tránh tình trạng làm lệch lạc, méo mó, biến dạng di sản cũng được giới chuyên môn và cộng đồng hết sức quan tâm.

Tăng cường giám sát của cộng đồng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản, một công trình trùng tu chỉ được xem là thành công khi hội tụ đủ hai yếu tố cốt lõi: tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc khoa học và đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành. Việc phục hồi một di tích không đơn thuần là sửa chữa những hư hỏng về mặt vật chất, mà còn đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về kiến trúc, chất liệu, kỹ thuật xây dựng gốc cũng như bối cảnh lịch sử - văn hóa của di tích đó.

Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sau trùng tu. Ảnh: T.P

Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sau trùng tu. Ảnh: T.P

Mỗi chi tiết trong quá trình trùng tu đều cần được cân nhắc thận trọng, bởi chỉ một sai lệch nhỏ cũng có thể làm mai một giá trị nguyên bản mà công trình đã lưu giữ qua hàng trăm năm. Do đó, cần sự giám sát nghiêm cẩn từ chuyên gia và cơ quan chức năng, bởi việc trùng tu rất dễ biến thành làm mới di tích, gây tổn thất không thể phục hồi đối với di sản.

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, khi tu bổ, tôn tạo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc đã đề ra. Muốn làm được điều đó thì người làm công tác trùng tu cần phải có kỹ năng, kỹ thuật, trình độ. Nước ta có hàng nghìn di tích lịch sử, nhưng việc đào tạo về công tác trùng tu, tu bổ lại đang rất thiếu.

Ông Đức cho biết, đối với những di tích bị hư hại do hỏa hoạn hoặc thiên tai, việc trùng tu phải dựa trên hồ sơ gốc đã được lập khi công trình được công nhận là di tích. Cần lập đầy đủ hồ sơ về mọi chi tiết, thiết kế của di tích để lưu giữ. Khi xảy ra sự cố như cháy nổ hay thiên tai, những hồ sơ này sẽ là cơ sở quan trọng để phục dựng và trùng tu. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc số hóa di sản phục vụ lưu trữ trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Còn theo ThS. Nguyễn Đắc Tới, để hoạt động trùng tu thực sự góp phần gìn giữ di tích, cần đồng thời thực hiện ba giải pháp then chốt: Thứ nhất, minh bạch hóa toàn bộ quy trình – từ khâu lập dự án, thẩm định thiết kế đến triển khai thi công. Thứ hai, nâng cao vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa trong hội đồng thẩm định nhằm đảm bảo chất lượng chuyên môn và tính xác thực của công trình. Thứ ba, thiết lập cơ chế giám sát cộng đồng một cách chính thức, với sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân.

“Chỉ khi người dân cảm thấy mình là một phần trong quá trình gìn giữ di sản thì việc bảo tồn mới thực sự có nền tảng vững chắc, không chỉ ở mặt vật thể mà còn trong ý thức và tình cảm của cộng đồng” - ông Tới nói.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích; phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất. Qua đó nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…

Xử lý nghiêm để bảo vệ tài sản vô giá của quốc gia

Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, sai phạm trong trùng tu di tích không chỉ là vi phạm hành chính, mà trong nhiều trường hợp còn có thể bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Vấn đề đáng nói là dù đã có cảnh báo rất nhiều nhưng sai phạm vẫn liên tục tái diễn. Điều này cho thấy các biện pháp xử lý hiện nay dường như chưa đủ mạnh để răn đe và việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn lỏng lẻo. Đã đến lúc cần có một cách tiếp cận quyết liệt hơn, đồng bộ hơn: Từ nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn, tăng cường kiểm tra, giám sát tại địa phương, đến đẩy mạnh vai trò phản biện của giới chuyên gia, báo chí và cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

Việc trùng tu di tích không thể chỉ dừng lại ở việc “sửa sang lại” mà phải đặt trong tư duy bảo tồn bền vững và tuân thủ pháp luật tuyệt đối. Di tích là tài sản văn hóa vô giá của quốc gia, không thể bị đánh đổi vì lợi ích ngắn hạn hay sự thiếu trách nhiệm trong quản lý. Bất kỳ hành vi xâm phạm, phá hoại, hoặc làm sai lệch giá trị di tích đều phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dung-de-di-tich-la-lam-sau-trung-tu-10304009.html