Đừng để định kiến 'học yếu mới học nghề' chôn vùi cơ hội của giới trẻ

Không ít người vẫn giữ quan niệm đã cũ, học nghề là con đường dành cho những học sinh yếu kém. Quan điểm ấy không chỉ lệch lạc mà còn đang gián tiếp khép lại cánh cửa phát triển của hàng vạn bạn trẻ, trong khi thế giới lao động đang không ngừng chuyển mình, đặt ra yêu cầu mới về kỹ năng, năng lực và sự chủ động thích nghi.

Các học viên theo học nghề làm gốm trong một cơ sở tại làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Khánh Huy

Các học viên theo học nghề làm gốm trong một cơ sở tại làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Khánh Huy

“Không phải ai học giỏi cũng nên vào đại học. Và cũng chẳng có quy định nào rằng học nghề là dành cho người học kém” – PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn mở đầu bài tham luận tại hội thảo “Vai trò của giáo dục hướng nghiệp trong việc phân luồng học sinh tại các nhà trường” vừa diễn ra mới đây.

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi số, thị trường việc làm liên tục dịch chuyển, nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao tăng mạnh, thì việc định hướng học sinh đi theo những lối đi phù hợp với khả năng và sở thích – bao gồm cả học nghề – cần được nhìn nhận công bằng và cởi mở. “Phân luồng” không phải là “xếp hạng”, càng không thể là thước đo năng lực học sinh như nhiều phụ huynh vẫn mặc định.

 Các diễn giả thảo luận về hướng nghiệp tại tọa đàm. Ảnh: Linh Phan

Các diễn giả thảo luận về hướng nghiệp tại tọa đàm. Ảnh: Linh Phan

Học sinh học nghề – từ lâu – thường bị gắn mác “học kém”. Một định kiến không chỉ thiển cận mà còn dẫn đến hậu quả dai dẳng: nhiều em vì sợ mang tiếng đã bỏ lỡ những hướng đi phù hợp, trong khi bản thân không thực sự hứng thú hay đủ khả năng theo đuổi các khối ngành hàn lâm.

“Có nhiều em học lực khá, thậm chí giỏi, vẫn chọn vào trường nghề bởi các em nhìn thấy tiềm năng nghề nghiệp rõ ràng, thấy phù hợp với cá tính, kỹ năng. Đó là những lựa chọn có trách nhiệm và dũng cảm” – thạc sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ nhiệm Dự án “Hướng nghiệp 24/7” nêu thực tế.

Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng đã đổi thay mạnh mẽ, không còn là những nơi “trung chuyển học lực yếu” mà đang trở thành điểm đến chiến lược cho nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.

Một trong những khuyến nghị quan trọng từ hội thảo là việc đẩy mạnh công tác hướng nghiệp ngay từ bậc trung học cơ sở. Cô Đào Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), chia sẻ: “Nhiều học sinh lựa chọn nghề nghiệp không dựa trên sự hiểu biết mà hoàn toàn do áp lực từ phụ huynh, bạn bè. Nếu không có định hướng từ đầu, các em dễ sa vào lựa chọn sai lầm”.

Rõ ràng, hướng nghiệp cần được coi là một cấu phần không thể thiếu trong giáo dục phổ thông, không chỉ để phân luồng, mà còn để “khai sáng” cho học sinh hiểu mình là ai, muốn gì và phù hợp với điều gì. Khi đó, lựa chọn học nghề hay học đại học cũng đều là những con đường đúng đắn, miễn là con đường ấy được quyết định bởi chính các em, dựa trên hiểu biết và sự chủ động.

Một đất nước phát triển không thể thiếu những bàn tay kỹ thuật lành nghề. Trong kỷ nguyên số, khi robot và công nghệ đang thay thế dần những công việc lặp lại, thì kỹ năng thực hành, tư duy đổi mới và khả năng thích ứng càng trở nên giá trị.

Trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, thị trường lao động thay đổi mạnh mẽ, việc kết nối doanh nghiệp, nhà trường và học sinh gắn với định hướng, phân luồng giáo dục là một trong những nội dung đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Trước tình hình đó, công tác hướng nghiệp và phân luồng giáo dục học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang trở thành nhiệm vụ quan trọng để có thể phát triển tối đa năng lực cá nhân của các bạn trẻ, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường hiện đại.

Đã đến lúc cần xóa bỏ ranh giới “trên - dưới”, “cao - thấp” trong lựa chọn nghề nghiệp. Bởi lẽ, không có con đường nào là “thấp kém” nếu nó dẫn người trẻ đến với sự trưởng thành, độc lập và đóng góp tích cực cho xã hội. Học nghề hay học đại học cái quan trọng nhất vẫn là học đúng với chính mình.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dung-de-dinh-kien-hoc-yeu-moi-hoc-nghe-chon-vui-co-hoi-cua-gioi-tre-415587.html