Đừng để doanh nghiệp thực phẩm mệt nhoài vì 'quả bóng' bất cập

Các doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm đang kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước đột phá tháo gỡ các bất cập về mặt chính sách từ những quy định cũ. Tuy nhiên, khi bất cập cũ được tháo gỡ thì bất cập mới lại xuất hiện, hoặc những người muốn giữ lại quy định cũ sẽ là người được giao thực hiện quy định mới, như quả bóng đá tới đá lui làm cho doanh nghiệp mệt nhoài.

Một chuyên gia phân tích ở Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết trong tháng 4/2022 này có nhiều vấn đề về mặt chính sách mà doanh nghiệp (DN) thủy sản mong chờ.

Chưa kịp mừng đã phải lo

Trong đó, có hai vấn đề bất cập nhất mà lâu nay các DN trông đợi tháo gỡ. Thứ nhất là thủy sản nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu sẽ được miễn kiểm dịch.

Cụ thể, sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành hồi đầu năm nay, vào ngày 12/4 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều Thông tư số 26/2016, Thông tư số 36/2018 về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản.

Các DN trong ngành hàng thực phẩm vẫn đang kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước đột phá tháo gỡ các bất cập về mặt chính sách từ những quy định cũ.

Các DN trong ngành hàng thực phẩm vẫn đang kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước đột phá tháo gỡ các bất cập về mặt chính sách từ những quy định cũ.

Như chia sẻ của chuyên gia này, tháng 4 bắt đầu quý II/2022 cũng là tháng đặc biệt mong đợi của hàng trăm DN có nhập khẩu nguyên liệu thủy sản. Đây là thời điểm Bộ NN&PTNT tiếp thu và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016, Thông tư số 36/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Thứ hai là thủy sản nhập khẩu dạng hàng xá, hàng xô, không có bao bì được áp dụng ghi nhãn theo Thông tư 05/2019 của Bộ KH&CN.

Điều này nhằm khắc phục bất cập đối với việc ghi nhãn từ trước năm 2019 dựa trên đặc thù và thông lệ của ngành hàng thủy sản là nhiều lô nguyên liệu thủy sản được nhập khẩu dưới dạng hàng xô, hàng xá, không có bao bì.

Đây là hai vấn đề chính sách được các DN thủy sản kiên trì kiến nghị tháo gỡ bất cập từ khá lâu, đến nay mới dần được phía cơ quan quản lý tiếp thu và tiến tới sửa đổi, bổ sung.

Với các DN thủy sản nói riêng và DN trong ngành thực phẩm nói chung thì đó là những tin mừng bước đầu. Và họ cũng kỳ vọng rằng đây sẽ là bước đột phá tháo gỡ bất cập về mặt chính sách cho ngành hàng thực phẩm.

Thế nhưng, vẫn còn nỗi lo khác đang chực chờ đến với các DN. Như mới đây trong số 8 hiệp hội có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 có 2 hiệp hội trong ngành hàng thực phẩm là Vasep và Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA).

Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều DN trong ngành hàng thực phẩm nói rằng, công văn kiến nghị của các hiệp hội đã phản ánh đúng nguyện vọng và nỗi lo lắng của họ. Theo đó, việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023 sẽ tạo điều kiện cho các DN thực phẩm có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Lo DN va vào những “bức tường”

Bởi lẽ, với ngành hàng thực phẩm hiện nay, các DN đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời, hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hóa... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa được.

“Tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy DN vào tình huống vô cùng khó khăn. Chúng tôi buộc sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo”, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một DN sản xuất gia vị ở Tp.HCM nói.

Theo ông Tuấn, các DN thực phẩm không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, do tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước.

Còn nếu áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% thì chắc chắn nhiều DN thực phẩm có nguy cơ sẽ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục ngàn người lao động không có việc làm.

Bàn thêm về chuyện bất cập ở khâu chính sách khi nói về việc phát triển của các DN trong mảng gia vị thuộc ngành hàng thực phẩm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nói rằng khi Chính phủ tham gia giải quyết những vấn đề mang tính hợp lý thì sẽ tháo gỡ được chi phí vô cùng lớn và vô cùng ức chế đối với các nhà sản xuất.

Như lưu ý của bà Hạnh, tất cả những vấn đề ở khâu chính sách này đều rất công phu, bởi vì có “dây mơ rễ má”, quyền lợi của nhóm này, quyền lợi của bộ kia, rất là khó khăn chứ không phải dễ dàng để tháo gỡ.

Theo nhận định của bà Hạnh, gần đây, các hiệp hội DN khá mạnh dạn trong việc đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện các bất cập về mặt chính sách. Đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất chịu khó lắng nghe và giải quyết những chuyện này.

“Thế nhưng, khi Thủ tướng phân xử xong, thì ai làm? Chính là những người muốn giữ lại những quy định cũ đó sẽ là người thực hiện. Và các DN sẽ phải va vào những “bức tường”, và họ lại tiếp tục với cuộc tranh đấu này”, Chủ tịch của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng bày tỏ băn khoăn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-doanh-nghiep-thuc-pham-met-nhoai-vi-qua-bong-bat-cap-1084894.html