Đừng để đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'

Tình trạng người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không rõ ràng đã khiến cho nhiều gia đình tan nát; mẹ con, cha con trở mặt; anh em tranh giành nhau...

Một luật sư Đoàn Luật sư tỉnh phát tài liệu về pháp luật dân sự, trong đó có các quy định về di sản, thừa kế cho người dân P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh). Ảnh minh họa: An An

Một luật sư Đoàn Luật sư tỉnh phát tài liệu về pháp luật dân sự, trong đó có các quy định về di sản, thừa kế cho người dân P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh). Ảnh minh họa: An An

Các vụ tranh chấp này thường kéo dài, ảnh hưởng đến tình thân.

* Nỗi đau mang tên “di sản thừa kế”

Nhiều gia đình đã có cuộc sống đoàn kết, yêu thương nhau cho đến khi cha mẹ chết đi, để lại di sản thừa kế không rõ ràng khiến cho các con tranh giành, mâu thuẫn trong suốt nhiều năm liền.

Đơn cử như vụ kiện đòi chia tài sản thừa kế giữa bà N. (45 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) và ông T. (68 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) đã kéo dài đến hơn 4 năm. Theo nội dung khởi kiện, vợ chồng ông V. (đã chết năm 2019) và bà X. (đã chết năm 2021) có 8 người con. Vào năm 2018, vợ chồng ông V. bán thửa đất tại H.Nhơn Trạch được 19 tỷ đồng và chia cho mỗi người con một số tiền, còn lại hơn 10 tỷ đồng thì giao cho ông T. (con của ông V. và bà X.) gửi ngân hàng để lo liệu việc gia đình.

Sau đó, vợ chồng ông V. chết không để lại di chúc nên những người con khác làm đơn khởi kiện buộc ông T. phải chia lại số tiền thừa kế. Tuy nhiên, ông T. cho rằng, số tiền 10 tỷ đồng gửi ngân hàng cha mẹ đã cho ông trước đó nên ông không muốn chia cho các anh chị em khác.

Vào năm 2022, TAND H.Nhơn Trạch đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên buộc ông T. phải giao cho mỗi anh chị em còn lại số tiền từ gần 680 triệu đồng đến gần 900 triệu đồng/người. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, ông T. đã làm đơn kháng cáo. Đến cuối tháng 9-2023, TAND tỉnh đã tuyên y án sơ thẩm, riêng ông T. được hưởng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Không chỉ anh em tranh chấp tài sản, nhiều gia đình mẹ và con cũng đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp phần di sản thừa kế. Mới đây, TAND tỉnh đã tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà V.T. (75 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đối với con trai là ông Đ.T. (49 tuổi, ngụ H.Long Thành). Theo trình bày của bà V.T., vào năm 1967, bà kết hôn với ông H. và sinh ra ông Đ.T. cùng một số người con khác. Vào năm 1993, ông H. và bà mua thửa đất tại H.Long Thành với diện tích hơn 1,3 ngàn m2. Năm 2007, ông H. chết không để lại di chúc, đất lại do ông Đ.T. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, bà V.T. đã già yếu nên yêu cầu chia tài sản thừa kế là diện tích đất hơn 908m2 ông Đ.T. đang quản lý.

Tuy nhiên, theo trình bày của ông Đ.T., vào năm 2007, sau khi cha chết, ông đã chia toàn bộ tài sản thừa kế cho mẹ và các anh chị em khác, có lập cam kết rõ ràng. Nhận được đất, bà V.T. đã bán cho người khác. Sau khi dùng hết tiền thì bà V.T. lại về đòi đất. Riêng diện tích ông Đ.T. đang sở hữu là tài sản của ông sau khi đã được phân chia. Từ năm 2019-2023, sau khi khởi kiện, tòa án từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm đều không chấp nhận khởi kiện của bà V.T. và xác định số tài sản tranh chấp là của ông Đ.T.

* Đừng để đồng tiền chia cắt tình thân

Theo đại diện TAND tỉnh, tình trạng tranh chấp tài sản thừa kế tại Đồng Nai hiện diễn ra rất nhiều và phức tạp. Việc phân chia di sản tưởng chừng là điều đơn giản khi chỉ cần xác định rõ di sản thừa kế, hàng thừa kế, công sức tôn tạo là có thể phân chia một cách rõ ràng. Thế nhưng, trong số đó có nhiều vụ phân chia tài sản thừa kế khó giải quyết, tranh chấp kéo dài, thậm chí có thể vì tài sản thừa kế mà dẫn đến những hành vi liên quan đến phạm pháp hình sự như: cố ý gây thương tích, giết người...

Theo quy định pháp luật về việc phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu người ở hàng thừa kế trước đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Việc phân chia tài sản thừa kế cũng được xếp là một trong những vụ việc khó giải quyết, bởi lẽ phải đảm bảo bản án thấu tình đạt lý, vừa công bằng nhưng cũng giữ được hòa khí giữa những người thân với nhau. Việc phân chia tài sản thừa kế phải nhìn nhận và suy xét ở nhiều góc độ khác nhau như: hoàn cảnh gia đình, yếu tố nam nữ, công sức phụng dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng và công sức tôn tạo, quản lý tài sản...

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho rằng, trong xã hội ngày càng phát triển, giá trị tài sản thừa kế thường là đất đai, nhà cửa, tiền, vàng... và giá trị của nó thường tăng theo thời gian. Trong khi đó, các chuẩn mực về đạo đức với nhiều người đang có xu hướng thay đổi theo chiều hướng chú trọng nhiều hơn về mặt vật chất. Chỉ vì lòng tham, sự ích kỷ của bản thân, không ít người thân có thể trở mặt nhau, tìm mọi cách để tranh giành phần nhiều tài sản về mình.

Đối với những vụ việc tranh chấp di sản thừa kế trước khi đem khởi kiện ra tòa thường đã mâu thuẫn kéo dài, không giải quyết được. Cho đến khi tranh chấp lên đến đỉnh điểm thì mới đưa nhau ra tòa phân xử, tình cảm đôi bên đã sứt mẻ nên để hóa giải là điều rất khó khăn.

Theo luật sư Tùng, với thực trạng tranh chấp di sản thừa kế hiện nay, nhằm có thể giải quyết vừa đảm bảo tính công bằng nhưng vẫn giữ gìn, hàn gắn được tình cảm gia đình đôi bên thì các bên nên hướng tới việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải. Điều này vừa giải quyết triệt để mâu thuẫn, không để kéo dài vụ án và cũng ít tốn công sức, tiền bạc của các bên đương sự. Đặc biệt hơn, nhằm tránh diễn ra tình trạng tranh chấp di sản thừa kế thì người có tài sản cần lập di chúc một cách rõ ràng, cụ thể. Thông qua việc lập di chúc vừa thể hiện được ý nguyện của người để lại tài sản, vừa góp phần ngăn chặn có hiệu quả được tình trạng tranh di sản thừa kế giữa những người thân với nhau.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202311/dung-de-dong-tien-chia-lia-khuc-ruot-0c66403/