Đừng để khó như đổ xăng

Những ngày qua, tình trạng thiếu xăng, dầu xảy ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước đã làm xáo trộn đời sống của người dân.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Đáng nói, cho đến thời điểm này, các cơ quan quản lý vẫn đau đầu với bài toán bảo đảm nguồn cung xăng, dầu liên tục cho thị trường trong nước. Những giải pháp mang tính căn cơ, tận gốc, hài hòa được lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng để thị trường xăng, dầu sớm ổn định trở lại đang là niềm mong mỏi của hàng triệu người dân Việt Nam.

Lý giải về tình trạng thiếu xăng, dầu, Bộ Công Thương cho biết, trong những ngày vừa qua, chuỗi cung ứng xăng, dầu đang gặp khó khăn. Các thương nhân đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng, trong khi giá xăng, dầu trên thế giới biến động khó lường, nguy cơ thua lỗ cao nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

“Mổ xẻ” nguyên nhân đứt gãy nguồn cung xăng, dầu, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, giá và nguồn cung xăng, dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Đáng nói, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Thời gian qua, Chính phủ đã sát sao, liên tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ nhanh, hiệu quả để thị trường xăng, dầu hoạt động bình thường trở lại. Gần đây nhất, ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Cụ thể là chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu cung cấp đầy đủ xăng, dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Đây là yêu cầu cần thiết khi mà các cơ quan liên quan vẫn đang loay hoay chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm khiến tình trạng người dân phải xếp hàng chờ mua xăng vẫn diễn ra phổ biến.

Mặc dù các bộ, ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để sớm ổn định thị trường xăng, dầu, song Bộ Công Thương cần khẩn trương hơn nữa trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng, dầu. Nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng, dầu, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu trong Nghị định 95/NĐ-CP và Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại vai trò của Việt Nam bây giờ là vừa sản xuất, vừa tiêu thụ (nguồn sản xuất xăng, dầu trong nước đạt 70 - 80%) nên vị thế của DN đầu mối cũng khác khi là đối tác của các nhà sản xuất xăng, dầu trong nước. Vì vậy, Bộ Công Thương cần thiết lập lại thị trường xăng, dầu đảm bảo tính cạnh tranh, quyền lực quản lý của Nhà nước và cơ chế điều hành. Về lâu dài, đã đến lúc Chính phủ cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia. Đây không chỉ là công cụ can thiệp về cung - cầu, can thiệp về giá hết sức quan trọng mà còn góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng, dầu.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-de-kho-nhu-do-xang.html