Đừng để kích cầu tiêu dùng nội địa rơi vào thế khó

Kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nỗi lo rơi vào thế khó khi giá cả nhiều mặt hàng leo thang, sau tác động dây chuyền từ việc tăng giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào. Không những thế, các chính sách nhằm kích cầu vẫn còn làm cho doanh nghiệp lúng túng, đòi hỏi cần đồng bộ và đủ 'liều'.

Qua ghi nhận của VnBusiness với người tiêu dùng, hộ kinh doanh tại một số chợ truyền thống ở Tp.HCM trong ngày 22/2 thì thấy, mối lo của họ là giá cả các mặt hàng thiết yếu dần dần nhích lên sau khi giá các loại xăng dầu liên tục tăng cao.

Giá cả leo thang làm giảm sức mua

Theo chị Thảo, một hộ kinh doanh tạp hóa ở khu vực chợ Hồ Trọng Quý (quận 6, Tp.HCM), sức mua sau Tết Nguyên đán 2022 đã giảm nhiều, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Các đầu mối cung cấp than phiền là giá các loại nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, giá gas tăng khiến họ tốn kém nhiều chi phí phát sinh với mức tăng 10 - 20%.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả đang đòi hỏi ở khâu chính sách cần đủ “liều”.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả đang đòi hỏi ở khâu chính sách cần đủ “liều”.

Còn ông Thành, một chủ vựa rau củ quả chuyên nhập hàng từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về Tp.HCM, cho biết lượng hàng tiêu thụ của vựa giảm từ 3 tấn trái cây/ngày xuống chỉ còn hơn 1 tấn/ngày. Không chỉ vậy, nếu như trước đây trung bình mỗi tấn hàng phải trả 400 ngàn đồng tiền phí vận chuyển thì nay đã tăng lên 600.000 đồng sau khi giá xăng tăng cao những ngày gần đây.

Với tình trạng giá xăng tiếp tục tăng cao như hiện nay, theo dự báo giá cước vận chuyển sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Một chủ vựa kinh doanh thủy sản cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 30 - 40% trong khi giá hàng hóa nhập về tăng từ 15-20 ngàn đồng/kg. Trong đó, nguyên nhân là do giá xăng dầu và nhiều chi phí vận chuyển tăng cao.

Có thể thấy hệ lụy của việc tăng giá xăng và tăng giá nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng lớn đến sức mua. Đặc biệt là những người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp đang phải “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế đi chợ và các các siêu thị bình dân, cắt giảm các hoạt động vui chơi giải trí và đổ xăng ít trong cơn bão giá hiện nay.

Chị Trần Thị Yến, trú quận 11 (Tp.HCM), cho biết trong tháng Giêng này chị cố gắng chi tiêu ít nhất có thể cho những thứ không cần thiết, về cơ bản chỉ ưu tiên những mặt hàng tiêu dùng vừa túi tiền, không bận tâm đến những sản phẩm hay dịch vụ xa xỉ.

Trước sức mua giảm sút và tình trạng vật giá leo thang trở lại ngay sau dịp Tết Nguyên đán 2022 là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm trong việc kích cầu tiêu dùng nội địa. Nhất là khi chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8% cho nhiều mặt hàng để kích cầu đang đặt ra dấu hỏi về mức độ hiệu quả.

Chờ chính sách đủ “liều”

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành bán lẻ cũng cho rằng, họ đang chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng và việc chỉ áp dụng giảm thuế VAT là chưa đủ. Để tiếp tục duy trì sức mua thì sẽ còn phải cần nhiều công cụ hơn nữa, nhất là ở giai đoạn này, kích cầu tiêu dùng nội địa là một yếu tố rất cần thiết nhằm giúp các DN phục hồi giữa tác động của dịch Covid-19.

Ngay như chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% dựa trên Nghị định 15/2022/NĐ-CP (áp dụng từ ngày 1/2/2022) dù được kỳ vọng là sẽ kích cầu, nhưng tính đến thời điểm này nhiều DN và người tiêu dùng vẫn lúng túng, không biết họ có được hưởng lợi hay không.

Như phản ánh của một chủ DN, người mua thì đòi VAT 8%, trong khi nhiều mặt hàng không biết tính thuế ra sao. Mà có thu 10% thuế VAT thì cũng có thể sai, rồi lại sợ DN chịu thiệt, mất tiền thuế nên chỉ dựa theo mức giảm thuế VAT như đòi hỏi của khách hàng.

Chính vì vậy, điều mà các DN quan ngại là mục tiêu kích cầu dựa trên việc giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP sẽ khó khả thi nếu thiếu các hướng dẫn cụ thể hơn.

Ngoài vấn đề nêu trên, ở góc độ DN, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT CTCP Pacific Foods, có kiến nghị các nhà quản lý cần nhìn xa hơn và dự báo xa hơn, các ảnh hưởng và tình huống cần được tiên liệu toàn diện và cụ thể hơn từ nhiều góc độ.

Theo ông Linh, cần điều chỉnh, tạo sự linh hoạt, thống nhất trong các quy định. Nhất là tạo cơ chế đặc biệt cho các DN trong vấn đề logistics, cắt giảm phí cầu đường để giảm chi phí, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa Việt Nam.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa không phải rơi vào thế khó, giới chuyên gia nhấn mạnh có những chính sách hỗ trợ mà Nhà nước không tốn tiền nhưng với DN hay người tiêu dùng sẽ rất hiệu quả, chẳng hạn như tháo gỡ chính sách về giảm thuế.

Đơn cử như việc tiếp tục thuế Thu nhập cá nhân, khi lượng tiền nhiều hơn thì người làm công ăn lương sẽ tiêu tiền nhiều hơn, sức mua sẽ tăng lên. Theo đó, nên miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022, 2023 với nhóm cá nhân có thu nhập chịu thuế ở bậc thấp dưới 15 triệu đồng/người/tháng. Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho cả năm 2021, 2022 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Trong khi giá xăng leo thang, giá cả nhiều mặt hàng gia tăng, rồi sức mua lại giảm, thì việc giảm thuế Thu nhập cá nhân được xem là giải pháp để kích cầu tiêu dùng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi các biện pháp về thuế để hỗ trợ kinh tế hiện nay được cho là vẫn chưa đủ “liều”. Cho nên, các giải pháp về giảm thuế rất cần triển khai đồng bộ, đủ “liều” hơn và nhanh chóng hơn nữa trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-roi-vao-the-kho-1083828.html