Đừng để lạm thu trong năm học mới

Năm nào ngành giáo dục cũng có những câu chuyện lùm xùm liên quan đến các khoản thu góp đầu năm học mới. Hải Dương cũng không ngoại lệ.

Quá nhiều khoản đóng góp đầu năm học mới là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Tranh: Phùng Bản

Quá nhiều khoản đóng góp đầu năm học mới là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Tranh: Phùng Bản

Một năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh sự hân hoan của các em học sinh là nỗi lo thường trực của nhiều phu huynh về những khoản thu góp đầu năm học. Ai cũng mong trường con mình học làm đúng, không có tình trạng lạm thu hoặc biến tướng của việc lạm thu trong giáo dục.

Thời gian qua, chúng ta vẫn nghe nói nhiều đến việc ở nơi này, nơi kia có trường học thu nhiều khoản vô lý khi vào năm học mới. Hải Dương cũng không ngoại lệ. Còn nhớ đầu năm học 2023-2024, tại Hải Dương có 2 trường học (ở Thanh Miện và Chí Linh) vướng lùm xùm về chuyện thu góp đầu năm. Cụ thể, trường học ở Thanh Miện tích kê các khoản đóng của học sinh đầu năm học lên đến 8,7 triệu đồng. Thời điểm ấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương vào cuộc xác minh vụ việc, phát hiện trường này có 6 khoản thu không trong quy định và 3 khoản thu vượt quy định. Tương tự, trong 16 khoản thu đối với học sinh vào đầu năm học mới của một trường học ở Chí Linh cũng có nhiều khoản không nằm trong danh mục được thu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị quyết của HĐND Hải Dương quy định thu chi trong giáo dục.

Cá nhân tôi cũng có con trong độ tuổi đến trường. Cách đây vài năm, khi con tôi còn học mầm non, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, giáo viên chia sẻ, thời gian nghỉ hè, nhà trường được nhận kinh phí từ trên để sửa chữa phòng học, trong đó không có khoản sửa sân và cổng. Tuy nhiên, sau khi làm xong thấy sân và cổng đã cũ, nhà trường đã quyết định sửa chữa. Đây là việc làm vì học sinh nên nhà trường mong muốn phụ huynh chia sẻ kinh phí. Để phụ huynh bớt gánh nặng, nhà trường chia số tiền phải đóng nhiều ít tùy theo các cấp học. Các cháu mới vào sẽ phải đóng nhiều hơn, các cháu chỉ còn một năm nữa ra trường thì sẽ đóng ít hơn.

Theo quan sát của tôi, lúc ấy nhiều phụ huynh khá hoang mang vì kiểu khi nhà trường làm thì mình không được tham gia thông qua, đến khi sự đã rồi lại yêu cầu phụ huynh quyên góp. Vì khá nhiều phụ huynh phản đối nên lúc ấy cuộc họp đã phải dừng lại. Cô giáo chủ nhiệm sau khi ra ngoài một lát, trở về thông báo nhà trường không triển khai thu nữa. Vậy là phụ huynh chúng tôi đã phản đối thành công một khoản thu vô lý của nhà trường. Đáng tiếc là, đến kỳ II năm học đó, sau một thời gian dài vận động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hầu hết các phụ huynh đã đồng thuận và chấp nhận đóng góp một khoản tiền không nhỏ so với những gia đình công nhân.

Từ câu chuyện trên, tôi muốn nói đến vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong câu chuyện lạm thu. Bởi những ngày đầu năm học này, trên mạng xã hội lại bàn tán xôn xao về chủ đề không nên để người giàu làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì những người có điều kiện kinh tế thì quan điểm tiêu tiền của họ không đứng cùng lập trường với những người có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Trong một lớp học thường có các gia đình với mức thu nhập khác nhau. Người có điều kiện khi đại diện cha mẹ học sinh sẽ dễ thỏa hiệp với thầy cô giáo, nhà trường về các khoản thu phát sinh hoặc mang màu sắc biến tướng của lạm thu với danh nghĩa "tất cả vì con em chúng ta".

Về vấn đề này, rất nhiều người có những ý kiến trái chiều. Những người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh trước hết đều là những người tâm huyết, sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ chính là cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường, giống như tổ chức công đoàn trong một đơn vị, doanh nghiệp luôn hài hòa quyền lợi của các bên. Vì vậy, theo tôi, việc người giàu hay người còn khó khăn trong Ban đại diện cha mẹ học sinh đều không phải là vấn đề. Vấn đề chính là những người này phải đứng trên lập trường, quan điểm và hoàn cảnh chung của tất cả các phụ huynh và quan trọng nhất là quy định trong giáo dục để có quy chế hoạt động rõ ràng, công khai, tránh trường hợp "giúp" giáo viên, nhà trường lạm thu.

Trước khi bước vào năm học mới 2024-2025, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024-2025, trong đó nêu bật cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để thực hiện đúng các quy định về quản lý thu chi tài chính, công khai các khoản thu chi ngay từ đầu năm học…

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dung-de-lam-thu-trong-nam-hoc-moi-392859.html