Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'

Những năm gần đây, mặc dù công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại Đồng Nai đã có những chuyển biến rõ rệt. Các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác PCCC nói chung và làng nghề nói riêng, nhất là nghề sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ, hàng mỹ nghệ. Thế nhưng, hằng năm, các vụ cháy xưởng gỗ vẫn xảy ra với những thiệt hại nặng nề về tài sản.

Qua đó cho thấy công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế; chủ cơ sở còn lơ là, bất cẩn trong phòng cháy cũng như sử dụng nguồn điện, nhiệt. Trong khi nhà xưởng toàn những hóa chất nguyên liệu dễ cháy (sơn, dung môi công nghiệp, gỗ, bột gỗ, mạt cưa), chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể gây cháy. Nếu đám cháy không được kiểm soát có thể nhanh chóng cháy lan, cháy lớn.

Do đó, để ngăn ngừa hiểm họa cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ, ngoài việc chú trọng kiểm tra và hướng dẫn các điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC thì lực lượng PCCC chuyên nghiệp cũng cần thường xuyên hậu kiểm để đánh giá sát về tình hình PCCC của các cơ sở này có thực sự đảm bảo hay không.

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các làng nghề, trong đó có các xưởng gỗ trong khu dân cư đã được giao về UBND cấp phường, xã. Do đó, trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các xưởng gỗ không đảm bảo an toàn PCCC rất quan trọng. Công tác này cần phải quyết liệt từ người đứng đầu chính quyền UBND phường, xã. Nếu không quyết liệt sẽ dễ dẫn đến tình trạng nể nang, bỏ qua những lỗi vi phạm về an toàn PCCC. Trong khi các lỗi vi phạm về PCCC dù nhỏ cũng có thể tạo ra một “mồi lửa” âm ỉ, có thể bùng phát bất cứ lúc nào và hậu quả không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các xưởng gỗ mà còn đe dọa an toàn của khu dân cư xung quanh.

Điều quan trọng nhất trong công tác PCCC của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ vẫn là ý thức phòng cháy của người đứng đầu cơ sở. Theo đó, ngoài chủ động trang bị các thiết bị PCCC cần thiết, duy trì lực lượng PCCC tại chỗ, chủ cơ sở còn cần chú trọng phòng cháy trong việc thường xuyên vệ sinh nhà xưởng như: ngăn bụi gỗ tích tụ; cất giữ và loại bỏ các chất gây cháy... Đặc biệt, phải thực nghiêm quy định cấm hút thuốc, nấu nướng trong khu vực nhà xưởng. Làm sao để công tác phòng cháy phải thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ để đối phó với các đoàn kiểm tra. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, lúc đó phải lãnh hậu quả khôn lường, mà người thiệt hại nặng nề nhất lại là chính mình.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202209/dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-3134880/