Đừng để 'nạn đói' vi chất đe dọa sức khỏe

Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới phát triển thể chất, trí tuệ nhưng con người không tự cảm nhận được sự thiếu hụt này. Do đó, nạn thiếu vi chất dinh dưỡng còn có tên gọi là 'nạn đói tiềm ẩn'.

Trẻ bổ sung vitamin A. ( Ảnh: VGP-TD)

Trẻ bổ sung vitamin A. ( Ảnh: VGP-TD)

Hiểm họa từ “nạn đói tiềm ẩn”

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng gồm: Tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân, béo phì; xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm. Vi chất dinh dưỡng gồm nhiều loại, trong đó có các vi chất: i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A.

Tại buổi tọa đàm chuyên đề về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức, TS. BS Trần Khánh Vân, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.

Không những vậy, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao, khoảng 19,6% (năm 2020). Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Theo TS. Trần Khánh Vân, số liệu nghiên cứu năm 2020 tại Việt Nam cho thấy, 63% phụ nữ mang thai thiếu kẽm; 44,3% phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu kẽm. Thực tế này khiến cho trẻ sinh ra dễ bị thiếu hụt kẽm. Trong cơ thể, kẽm là vi chất giúp phân chia tế bào, cơ thể tăng trưởng. Cơ thể thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, gây suy dinh dưỡng, thấp còi. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.

Dù đã cải thiện nhưng tình trạng thiếu vitamin A vẫn đáng báo động. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,1% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi). Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển. Thiếu vitamin A ở mức độ nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, được gọi là bệnh “khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

Thiếu i-ốt cũng là vấn đề đáng quan ngại. Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 12 tuổi là 9,8%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl. Tỷ lệ này cao gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (<5%). Tỷ lệ này cũng cao gần gấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt. Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt trên thế giới. Thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ, gây ra các rối loạn khác như bệnh bướu cổ, đần độn.

Ngoài ra, một số vi chất dinh dưỡng khác cũng đang bị thiếu hụt như axit folic, vitamin D, vitamin B1, vitamin K..., tuy nhiên, 4 vi chất dinh dưỡng i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A đang bị thiếu hụt một cách đáng báo động tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cần phải có can thiệp để giải quyết vấn đề này.

TS. BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ tại Tọa đàm “Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm - Giải pháp hiệu quả phát triển toàn diện, bền vững” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức: “Mặc dù vi chất dinh dưỡng rất nhỏ nhưng quyết định sự phát triển và sinh lý, trí thông minh, phát triển của con người, vì vậy vi chất rất quan trọng. Chiều cao hay sức mạnh của chúng ta chỉ là bề nổi, còn tác động rất sâu, tác động rất rộng lớn là sự suy giảm trí tuệ mà chúng ta không thể đơn giản nhận ra được. Những tổn thương về não bộ, ví dụ như i-ốt, i-ốt là một chất rất quan trọng cho tổng hợp hoóc-môn của tuyến giáp, hoóc-môn của tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa, đặc biệt là hình thành, phát triển hệ thần kinh trung ương. Thiếu i-ốt thì người mẹ khi mang thai hay em bé khi sinh ra sẽ bị ảnh hưởng tới não bộ, suy giảm trí thông minh của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, điều mà chúng ta hay nhìn thấy chỉ là bướu cổ, trong khi bướu cổ chỉ là hậu quả rất nhỏ trong tổng thể sự phát triển của con người. Ngoài ra, các vi chất khác như vitamin A, kẽm, sắt cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, không chỉ trẻ em và người lớn, thậm chí những người lớn tuổi chỉ bổ sung canxi mà quên mất vitamin D. Vitamin D rất quan trọng để chuyển hóa canxi thành xương. Khi chúng tôi thực hành lâm sàng, các em gái ở tuổi dậy thì thiếu sắt vô cùng nghiêm trọng, mà chúng ta quên không quan tâm bổ sung”.

Thừa cân nhưng thiếu vi chất

PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhấn mạnh: “Tôi có thể khẳng định rằng, bổ sung vi chất vào thực phẩm là vấn đề nghe vi mô, nhưng thực chất đây lại là vấn đề vĩ mô và có tầm ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, đây còn là “giải pháp gốc” quyết định đến việc phát triển con người - yếu tố quyết định phát triển kinh tế, xã hội bền vững của Việt Nam.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu, chúng ta phải cạnh tranh bằng trí tuệ chứ không phải bằng lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên, muốn có trí tuệ thì trước tiên phải khỏe về thể chất.

Các vi chất có lợi cho sức khỏe và trí tuệ. (ảnh: minh họa)

Các vi chất có lợi cho sức khỏe và trí tuệ. (ảnh: minh họa)

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau, quả…) và thiếu hoạt động thể lực. Ngoài ra, TS. Vân phân tích thêm, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay là do những nguồn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng thường đắt đỏ. Ví dụ kẽm thường có trong hàu, sò, tôm, cua… những loại thực phẩm này có giá đắt đỏ khiến nhiều gia đình ít bổ sung.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho rằng hiện nay nhiều người vẫn chưa quan tâm đến dinh dưỡng trong bữa ăn. Thực tế, dù nhiều người thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng. Mọi người quan tâm đến việc ăn ngon nhiều hơn là ăn đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương cần tập trung vốn, những nguồn lực xã hội khác để thực hiện tốt vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đặc biệt là công tác tuyên truyền cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cán bộ ngành Y tế cần tập huấn cho người dân về hệ lụy của việc nuôi con thiếu vi chất. Cùng với đó, cần tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân biết cách chăm sóc, ăn uống… cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời. Chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề tăng cường kiểm tra, kiểm soát dinh dưỡng trong thức ăn cho trẻ ở 1.000 ngày đầu đời tại các cơ sở, nhà máy sản xuất thức ăn cho bé.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tăng cường đầu tư thêm cho những vùng chưa có điều kiện về y tế. Song song với đó, cần giao trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương về phát triển nguồn lực, vì điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề an sinh xã hội.

Các tổ chức xã hội cùng tham gia cùng với Nhà nước trong công tác giám sát và phản biện xã hội; cung cấp những bằng chứng khoa học, khách quan giúp Nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm sao cho bảo đảm nâng cao sức khỏe, tầm vóc của người Việt.

Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện:

1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A 2 lần/năm.

5. Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng, chống nhiễm giun, sán.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

7. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng, chống nhiễm giun, sán.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dung-de-nan-doi-vi-chat-de-doa-suc-khoe-post508849.html