Đừng để ngành nông sản 'quặt quẹo' vì đứt nguồn vốn
Đầu tư vùng nguyên liệu để xuất khẩu rau quả nhưng khó vay vốn, người chăn nuôi lo phá sản do đứt nguồn vốn, doanh nghiệp thủy sản không đủ vốn để mua nguyên liệu… Nếu muốn ngành nông sản Việt tránh cảnh 'quặt quẹo' giữa nhiều khó khăn trước mắt, đòi hỏi cần thêm chính sách hỗ trợ để tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, lãi suất dễ thở hơn và được giãn, gia hạn nợ.
Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T group, cho biết khi muốn xuất khẩu một loại quả nào đó cần sự ổn định lâu dài về vùng nguyên liệu. Phía DN phải đầu tư cho nông dân và bao tiêu, thậm chí ứng tiền cho nông dân để mua phân, thuốc các loại…
Nhiều khó khăn khi dòng tiền bị chặn lại
Thế nhưng, như băn khoăn của ông Tùng, dòng tiền của DN nằm ở vùng nguyên liệu rất nhiều. Và khi dòng tiền bị chặn lại thì DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. DN hoạt động dựa trên dòng tiền, tuy nhiên dù có tài sản nhưng vẫn khó tiếp cận dòng vốn vay của ngân hàng.
Chia sẻ tại một tọa đàm ở Tp.HCM vào ngày 30/3 bàn về việc khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, vị tổng giám đốc này lưu ý người nông dân đã đổ vốn vào nông nghiệp, cây trồng dài hạn rất lớn nhưng ngân hàng không xem đây là tài sản để có thể vay vốn. Khó khăn của nông dân tham gia chuỗi liên kết đang nằm ở việc vay vốn ngân hàng
Chính vì vậy, ông Tùng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ, đừng để tình trạng người nông dân có đất nhưng không có tiền đầu tư trong khi người đi thuê không có đất cũng không vay được.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách để định giá được tài sản trên đất, bởi khi đã trồng cây xuống đất 1-2 năm, đã ra lứa trái cây đầu tiên sẽ mang lại doanh thu.
Trao đổi với VnBusiness, Tổng giám đốc của Vina T&T cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xác định rõ với những DN tạo ra giá trị cho xã hội, như các DN trong ngành hàng nông sản thì nên có sự ưu tiên, không thể vì lý do nào đó mà hòa mọi thứ lại với nhau gây khó khăn cho họ, sẽ ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế.
Xét về khó khăn dòng tiền trong ngành nông sản, vào cuối tháng 3/2023, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn nợ, giảm lãi suất cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh khó khăn khi nhiều công ty, trang trại và người chăn nuôi trong nước không thể tiếp cận ngân hàng, thậm chí phải vay nóng mua cám, duy trì đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi heo Đồng Nai, cho biết: Gần như công ty, trang trại, hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại, chịu quy luật của thị trường lời ăn và lỗ thì cầm sổ đỏ. Người chăn nuôi sản xuất ra thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng), nhưng một năm qua giá cám, thức ăn quá cao mà đầu ra lại thấp, dưới giá thành, khiến người chăn nuôi kiệt quệ.
Đứt nguồn vốn có thể phá sản ngay
Chính vì vậy, theo ông Công, ngân hàng nên cho người nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19. Bên cạnh đó, nên tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động, bởi nếu đứt nguồn vốn thì nông dân có thể phá sản ngay.
Hơn nữa, các ngân hàng đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có nông nghiệp. Cho nên người chăn nuôi mong muốn sớm được tham gia gói hỗ trợ này dù biết rằng rất ít DN, trang trại được hưởng gói vay này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, đây là thời điểm khó khăn nhất của ngành chăn nuôi, dù cho chính sách có nhưng tới ngân hàng lại không vay được, tiếp cận rất khó khăn. Không chỉ vậy, người dân mua đất làm trang trại rất cao nhưng thế chấp vào thì ngân hàng định giá theo khung nhà nước lại rất thấp.
Riêng với các DN trong ngành thủy sản cũng không khá gì hơn khi đối mặt tình cảnh xuất khẩu sụt giảm, vừa chắt chiu từng đơn hàng nhưng vừa khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%, khi họ không đủ vốn để mua nguyên liệu thì tất yếu dẫn đến việc bị chậm, trễ đơn hàng.
Vì thế, các DN xuất khẩu thủy sản vẫn mong được tiếp cận vốn tốt hơn, với mức lãi suất phù hợp hơn. Nhất là khi mức lãi suất hiện tại đang tạo áp lực rất lớn đến với họ.
Cách đây vài ngày, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep đã chỉ rõ tình hình khó khăn của DN trong ngành với mặt bằng lãi suất như hiện nay thì họ không dám vay vốn để trữ hàng.
Trước bối cảnh chật vật như vậy, theo ông Hòe, các DN cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất ở mức chấp nhận được để giữ việc làm cho người lao động, bảo toàn vốn khi mà khó khăn của ngành thủy sản có thể kéo dài hơn so với dự đoán.
Thực ra, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn cho ngành nông sản, thậm chí trong giữa tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 314/QĐ-NHNN, quyết định giảm lãi suất 0,5% các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem lại ở khâu chính sách về vốn vay đã phù hợp, sát thực với tình hình khó khăn hiện tại của nông dân và các DN trong ngành nông sản hay chưa? Để từ đó cần tiếp tục có các giải pháp giúp tăng khả năng tiếp cận vốn trong ngành hàng này và xem xét thỏa đáng những kiến nghị về giãn nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất…