Đừng để... 'nước đến chân mới nhảy'
Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra trong buổi công bố danh mục phê duyệt sách giáo khoa (SGK) lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, chậm nhất đến tháng 5-2020, giáo viên sẽ có trên tay cuốn SGK lớp 1 mà hội đồng các trường đã lựa chọn để phục vụ tập huấn tại chỗ. Như vậy, từ khi tiếp cận SGK mới đến khi khai giảng năm học chỉ 4 tháng...
Trở tay có kịp?
Đây là ý kiến của nhiều giáo viên ở cơ sở khi nắm bắt thông tin về lộ trình phát hành SGK mới cho lớp 1. Theo đó, đến tháng 3-2020, hội đồng chọn SGK các trường mới kết thúc quá trình lựa ra bộ sách phù hợp, báo cáo cấp trên theo trình tự. Từ đó, ngành giáo dục địa phương sẽ thông tin về nhu cầu SGK đến các nhà xuất bản (NXB). Trên cơ sở này, NXB tiến hành in ấn theo đặt hàng của từng địa phương. Tháng 5-2020, giáo viên mới có thể tiếp cận những cuốn sách đầu tiên để nghiên cứu và tham gia tập huấn tại chỗ. Tháng 9-2020, giáo viên bắt đầu thực hiện hoạt động dạy học sử dụng SGK chương trình GDPT mới trên cả nước ở lớp 1 cho năm học 2020-2021.
Đó mới chỉ là lý thuyết. Còn khi đi vào thực tiễn, điều mà Bộ GD&ĐT đang làm cho thấy, có lẽ chính ngành giáo dục cũng chưa bao quát hết khâu thành lập hội đồng lựa chọn SGK của các địa phương. Bởi lẽ, theo công bố tại cuộc họp báo thông tin về phê duyệt sách SGK lớp 1 thì các tỉnh sẽ thành lập hội đồng chọn SGK cho địa phương mình. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp từ sau tháng 7-2020, khi mà Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Bởi nếu thời điểm này mà thành lập các hội đồng lựa chọn SGK ở cấp tỉnh là chưa đúng luật. Vì vậy, mới đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn SGK trong cơ sở GDPT, chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới. Theo đó, các trường sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK riêng. Trên cơ sở này, NXB mới nắm bắt, in ấn và phát hành đáp ứng yêu cầu. Đây được coi là một động thái khá chậm của ngành giáo dục, thể hiện sự bị động trong việc phát hành SGK mới. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ SGK có thể đến được tay giáo viên.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Mười, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết: “Đến thời điểm này, việc thành lập các hội đồng lựa chọn SGK ở cấp trường chúng tôi mới chỉ biết qua chủ trương, còn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào. Mặc dù vậy, việc chuẩn bị mọi mặt cho chương trình GDPT mới đã sẵn sàng. Công tác dạy học thử nghiệm được tiến hành từ sớm. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn chưa được "mắt thấy, tay sờ" cuốn SGK mới. Điều này phần nào gây khó khăn cho giáo viên sẽ giảng dạy chương trình lớp 1. Bởi đến lúc này giáo viên mới chỉ được tập huấn các chuyên đề về chương trình, chứ chưa được tiếp cận với SGK. Điều lo lắng hơn là việc thành lập hội đồng lựa chọn SGK rồi quá trình in ấn, phát hành sách sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa”.
Không chỉ tâm lý của giáo viên bậc tiểu học, mà dư luận quan tâm đến giáo dục cũng đứng trước những băn khoăn: Liệu SGK có đến tay giáo viên đúng đợt tập huấn cuối cùng? Những cuốn SGK đó có bảo đảm chất lượng khi mà quá trình in ấn, phát hành gấp rút trong khoảng thời gian ngắn?
Sẽ phải bảo đảm phát hành SGK
Trao đổi về những băn khoăn trong việc thành lập các hội đồng lựa chọn SGK, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án hỗ trợ đổi mới GDPT (Bộ GD&ĐT) khẳng định: “Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 trước mắt sẽ theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội chứ chưa thực hiện theo Luật Giáo dục 2019”.
Như vậy, để bảo đảm việc lựa chọn và phát hành kịp SGK cho năm học mới, ngay sau khi dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn SGK trong cơ sở GDPT đi vào thực tiễn, hội đồng lựa chọn SGK tại các trường sẽ được thành lập. Theo ông Lưu Xuân Hồng, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), dù chủ trương thành lập hội đồng chọn SGK cấp trường đến nay chưa có văn bản cụ thể, song ngành giáo dục địa phương sẽ tích cực bám sát chủ trương của ngành, thành lập các hội đồng lựa chọn SGK với tiêu chí nhanh, gọn nhưng bảo đảm chất lượng và tiến độ, từ đó có thể giúp SGK sớm đến tay giáo viên và người học.
Trao đổi với chúng tôi về việc bảo đảm lộ trình phát hành SGK từ phía NXB Giáo dục Việt Nam như băn khoăn của nhiều nhà giáo, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam nêu rõ: “Đến nay, NXB đã xây dựng kế hoạch và triển khai những hạng mục cần thiết để tập huấn cho giáo viên các kỹ năng khai thác, sử dụng SGK mới, như: Biên soạn tài liệu tập huấn giáo viên sử dụng SGK lớp 1; đưa vào khai thác cổng thông tin cơ sở dữ liệu hỗ trợ giáo viên, học liệu điện tử cần thiết trong quá trình dạy học các môn học và hoạt động giáo dục để giáo viên có thể kịp thời tiếp cận với nội dung của SGK phù hợp với địa phương mình”.
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng đưa ra cam kết, NXB đã chuẩn bị đầy đủ vật tư và máy móc, thiết bị để bảo đảm xuất bản, cung ứng kịp thời, đủ, đồng bộ SGK, thiết bị giáo dục đến tất cả vùng, miền trong cả nước trước ngày khai giảng năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai áp dụng SGK mới.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dung-de-nuoc-den-chan-moi-nhay-604949