Đừng để phạm pháp khi đòi nợ
Mới đây, Công an tỉnh và Công an TP.Biên Hòa đã khống chế, bắt giữ đối tượng dùng xăng khống chế một bé trai 4 tuổi để đòi nợ ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) vào ngày 10-3. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm, lực lượng công an đã khống chế được đối tượng, tránh hậu quả khôn lường có thể xảy ra nếu đối tượng manh động châm lửa đốt. Qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn.
Tuy nhiên, thông qua báo chí được biết, đối tượng nêu trên thực chất là chủ nợ. Vì không đòi được số tiền khoảng 680 triệu đồng trong làm ăn với bạn, chủ nợ này đã liều lĩnh dùng xăng khống chế con trai của con nợ để đòi tiền. Khi biết thông tin này, thực sự ai cũng lấy làm tiếc với cách hành xử của chủ nợ. Chỉ vì việc nợ nần liên quan đến dân sự mà có hành vi vi phạm pháp luật, liên quan đến hình sự.
Dù vụ việc được ngăn chặn kịp thời nhưng chủ nợ có hành vi dùng xăng khống chế bé trai 4 tuổi để đòi nợ đã bị tạm giữ để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội và chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Điều này dẫn đến việc ảnh hưởng lớn đến uy tín, công việc; gián đoạn việc làm ăn, chăm lo gia đình của chính chủ nợ. Thử hỏi số tiền đã bị lừa đó liệu có bù đắp được những hậu quả nặng nề mà chính chủ nợ phải gánh chịu. Vừa mất tiền, vừa có khả năng phải đối diện với vòng lao lý.
Do đó, để ngăn ngừa các vụ việc nêu trên, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Chỉ có hiểu biết, nắm bắt các quy định pháp luật, người dân mới biết cách giao dịch làm ăn chặt chẽ, tránh bị lừa đảo, mất tiền oan do không có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm, dễ dẫn đến nóng nảy, thiếu kiểm soát hành vi.
Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, người dân cần bình tĩnh, thực hiện việc đòi quyền lợi, đòi nợ theo đúng quy định. Cần thiết kiện ra tòa để nhờ can thiệp. Tránh nóng giận dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản… và bản thân phải lãnh hậu quả nặng nề.
Bảo Ngọc (TP.Biên Hòa)
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/dung-de-pham-phap-khi-doi-no-3160210/