Đừng để rượu cần 'cô đơn'
Khi tiếng cồng chiêng vang lên bên ánh lửa bập bùng, người già, người trẻ, thanh niên quây quần quanh tố rượu cần; theo thứ tự, người già uống trước, đàn bà uống sau, rồi mới đến thanh niên trong sóc, trong làng. Cứ thế, họ vui chơi đến khi ánh trăng tàn, rượu cần đã nhạt, những bản nhạc cồng chiêng hòa quyện vào màn đêm là lúc họ trở về với gia đình nghỉ ngơi và kết thúc một dịp lễ hội.
Trong không gian văn hóa của đồng bào S’tiêng, M’nông không thể thiếu rượu cần. Rượu cần là thức uống xuất hiện trong đời sống hằng ngày đến các dịp lễ hội như: đám cưới, mừng nhà mới, mừng lúa mới, cầu mưa… của đồng bào.
Duy trì văn hóa rượu cần để phát triển kinh tế
Có rất nhiều phương pháp để chế biến rượu cần tùy theo địa bàn sinh sống và văn hóa của mỗi tộc người. Tuy khác nhau cách chế biến nhưng rượu cần có một điểm chung thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, là chất keo gắn kết mối quan hệ cộng đồng tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người S’tiêng, M’nông trên địa bàn tỉnh.
Ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, đồng bào S’tiêng, M’nông nơi đây có cách chế biến rượu rất riêng. Cũng từ nguyên liệu lấy trong tự nhiên nhưng người M’nông tạo men nấu rượu cần từ 2 loại lá cây mọc trong rừng. Chị Thị Bi-Ôn ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, cho biết: Nấu rượu cần khó nhất là kiếm lá cây ở trong rừng. Tôi phải vào rừng kiếm lá, sau đó băm ra, cho vào cối giã rồi đem phơi khô. Cơm rượu phải chín, không nhão hoặc khô quá. Sau đó vo men trộn với lá cho vào các tố, khoảng 1 tuần thì dùng được.
Có kinh nghiệm lâu năm nấu rượu cần, cũng như am hiểu sâu về rượu cần của người M’nông, bà Thị Bép ở thôn Bù Dốt chia sẻ: Ngày xưa, người M’nông dùng rượu cần trong những tiệc vui như đám cưới hoặc các dịp mừng lúa mới, lễ hội cầu mưa… Việc uống rượu phải theo thứ tự như quy tắc ngầm. Đó là già làng và những người lớn tuổi có uy tín trong làng uống trước, đàn ông uống trước phụ nữ, sau đó mới tới phụ nữ là những người lớn tuổi, tiếp đến là các thanh niên nam, nữ. Uống cho đến khi trăng tàn, rượu cần đã nhạt. Có những lễ hội diễn ra từ 2-3 ngày.
Trước đây, đồng bào ở thôn Bù Dốt chỉ nấu rượu cần để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhưng 2 năm trở lại đây, khách du lịch đến Bù Gia Mập tham quan, yêu thích hương vị rượu cần nên lan truyền nhau. Từ đó, rượu cần của đồng bào ở thôn Bù Dốt đã tiếp cận được khách du lịch nhiều hơn. Nhạy bén trước điều này, UBND xã Bù Gia Mập đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Đắk Mai vào tháng 11-2021. Trong đó có lĩnh vực duy trì, bảo tồn kỹ thuật chế biến rượu cần của đồng bào ở thôn Bù Dốt. Đồng thời hỗ trợ họ tìm đầu ra cho rượu cần để tăng thu nhập từ nghề truyền thống này.
Anh Điểu Thấp, Phó bí thư Đoàn xã Bù Gia Mập, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Đắk Mai cho biết: Mục đích thành lập hợp tác xã là muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người M’nông trên địa bàn xã. Hiện ở lĩnh vực nấu rượu cần, hợp tác xã đã thu hút 9 gia đình tham gia. Trung bình mỗi hộ dân 1 tuần bán được từ 3-4 tố rượu cần cho khách du lịch đến tham quan tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều. Để đồng bào gắn bó với nghề cần được hỗ trợ đầu ra nhiều hơn nữa.
Tháo gỡ khó khăn đưa rượu cần vươn xa
Rượu cần đi vào đời sống của người S’tiêng, M’nông từ bao đời nay. Ngày nay, rượu cần vượt qua giới hạn không gian văn hóa của một tộc người, trở thành sản phẩm được các đoàn khách du lịch biết tới khi đến Bình Phước.
Hiện nay, người S’tiêng, M’nông dần thay đổi những nét văn hóa cổ xưa để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Những lễ hội không còn được tổ chức thường xuyên như trước, việc sử dụng rượu cần ngày càng ít. Chỉ còn một số hộ dân biết chắt lọc những nét văn hóa quý giá, duy trì kỹ thuật nấu rượu cần của người M’nông đã tham gia Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Đắk Mai để bảo tồn nét văn hóa này. Tuy nhiên, mới đầu thành lập hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn.
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Đắk Mai gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có chế biến rượu cần. Hiện nay, lĩnh vực này đang gặp một số khó khăn. Nguồn nguyên liệu làm men để nấu rượu cần phải lấy từ Vườn quốc gia Bù Gia Mập, trong khi hợp tác xã chưa phối hợp được với vườn để có giấy phép vào rừng lấy nguồn nguyên liệu. Việc tiêu thụ sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, chỉ phụ thuộc vào khách du lịch nên lượng hàng còn tồn nhiều. Mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn.
Anh Điểu Thấp, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Đắk Mai
Sau khi vào hợp tác xã, các hộ dân ý thức hơn trong việc chế biến, sản xuất rượu cần. Từ sự hỗ trợ kết nối, tìm kiếm đầu ra của hợp tác xã, các hộ dân đã có nguồn thu để cải thiện cuộc sống, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua.
Chị Thị Bi-Ôn chia sẻ: Từ khi tham gia hợp tác xã, tôi ý thức hơn về giá trị sản phẩm mình làm ra. Mong các đơn vị, cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối để sản phẩm rượu cần có đầu ra ổn định.
Với những giá trị, ý nghĩa đặc trưng của rượu cần có thể thấy, kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng, M’nông ở Bù Gia Mập thể hiện những tri thức dân gian về nhận diện tự nhiên, khai thác tự nhiên để phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện giúp việc sản xuất, chế biến cũng như đầu ra của rượu cần thuận lợi hơn. Nếu những vướng mắc này được tháo gỡ sẽ giúp các hộ dân sống bằng nghề chế biến rượu cần có thu nhập ổn định hơn, từ đó gắn bó với nghề, vừa lưu truyền nét văn hóa đặc trưng vừa phát triển kinh tế và đưa rượu cần vươn ra phạm vi lớn hơn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/133647/dung-de-ruou-can-co-don