Đừng để sầu riêng biến thành… 'sầu chung'

Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ cây sầu riêng thời gian qua đã tạo ra sức hút lớn. Việc đầu tư mở rộng diện tích loại cây này để gia tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng của nông dân.

Vụ sầu riêng năm nay, người dân được mùa, được giá.

Vụ sầu riêng năm nay, người dân được mùa, được giá.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 ha sầu riêng, trồng phổ biến các giống RI6, sầu riêng Thái, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Diện tích trồng sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Gò Dầu, Tân Châu, Dương Minh Châu và thị xã Hòa Thành. Giá sầu riêng tăng cao khiến nhiều người quyết định chuyển đổi diện tích trồng hoa màu, lúa, cây lâu năm sang trồng sầu riêng. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ đưa sầu riêng thành “sầu chung”.

Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu được coi là “thủ phủ” trồng sầu riêng của tỉnh Tây Ninh, với diện tích canh tác đạt trên 1.000 ha. Mùa sầu riêng đã gần qua, sản lượng ước tính trong năm nay đạt khoảng 10.000 tấn, giá bán từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 60.000 - 65.000 đồng và rất dễ tiêu thụ.

Anh Phan Văn Thoại, ngụ ấp 7 cho biết: năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá sầu riêng có giảm nhẹ và tiêu thụ chậm hơn, có thời điểm chỉ bán được 40.000 đồng/kg. Mùa sầu riêng năm nay, nông dân bán được giá, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, sầu riêng được đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng có nhiều thuận lợi; thu lãi khoảng 800 triệu đồng/ha.

Mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi nhưng đa phần nông dân trồng sầu riêng đều trúng mùa, năng suất ổn định khoảng 10 tấn/ha, trái đạt chất lượng tốt. Đặc biệt, hiện nay, sầu riêng Bàu Đồn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra khá ổn định.

Sầu riêng là loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, nhẹ công chăm sóc. Thế nhưng, việc nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng diện tích trồng mà thiếu liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rất dễ rơi vào vòng lẩn quẩn “giải cứu” vì cung vượt cầu.

Trước thực trạng đó, từ cuối năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) liên tục cảnh báo việc người dân ồ ạt trồng cây sầu riêng tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, kể cả trên những vùng đất không phù hợp. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng diện tích sầu riêng trong cả nước vẫn tăng ồ ạt.

Người dân thu hoạch sầu riêng.

Người dân thu hoạch sầu riêng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Tây Ninh, hiện nay diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đạt gần 3.000 ha, định hướng của tỉnh đến năm 2030 sẽ phát triển từ 5.000 đến 6.000 ha.

Theo đánh giá của nhiều tiểu thương và doanh nghiệp, sầu riêng trồng trên địa bàn Tây Ninh được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, bởi trái có màu sắc sáng đẹp, bắt mắt, vị ngọt và ít bị sượng. Do đó, sầu riêng Tây Ninh được thương lái đẩy mạnh thu mua.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững sầu riêng, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trên diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch, nông dân phải từng bước sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, theo hướng hữu cơ vi sinh, sản xuất có chứng nhận tiêu chuẩn mã vùng; phải liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến và người sản xuất.

“Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Tây Ninh có khí hậu thời tiết khác biệt với miền Tây và Tây Nguyên nên không trùng với những vùng sản xuất lớn.

Thường chúng ta sẽ thu hoạch sầu riêng sớm hơn vùng Tây Nguyên; sầu riêng Tây Ninh cũng đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, việc phát triển cây sầu riêng thành cây thế mạnh của tỉnh Tây Ninh có thể đạt được.

Tuy nhiên, chúng ta cần có sự hợp tác, liên kết để tạo ra các vùng trồng tập trung, đồng nhất về chất lượng, tuân thủ các quy định về mã vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, hướng đến xây dựng thương hiệu bảo đảm tiêu chuẩn để xuất khẩu”- ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ cây sầu riêng thời gian qua đã tạo ra sức hút lớn. Việc đầu tư mở rộng diện tích loại cây này để gia tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng của nông dân.

Tuy nhiên, để việc canh tác đạt hiệu quả và phát triển bền vững, người trồng cần nâng cao chất lượng, chủ động liên kết, xúc tiến thương mại sản phẩm, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường lớn. Có như vậy, niềm vui từ những vụ sầu riêng sẽ được duy trì, và mối lo “sầu riêng biến thành sầu chung” khó xảy ra.

Vũ Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dung-de-sau-rieng-bien-thanh-sau-chung-a159329.html